Nghị sĩ Mỹ đệ trình dự luật trừng phạt Trung Quốc

Ngày 6-12, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio (bang Florida) đã đệ trình trước Thượng viện Mỹ dự thảo về “Đạo luật trừng phạt năm 2016 về biển Đông và biển Hoa Đông”.

Dự thảo bao gồm đề xuất các điều khoản quy định trừng phạt của Mỹ đối với những cá nhân và tổ chức tham gia vào “các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh tại biển Đông và biển Hoa Đông”, trang thông tin chính thức của Nghị sĩ Rubio cho biết.

Nghị sĩ Rubio cho rằng: “Các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông là bất hợp pháp, đe dọa an ninh khu vực và thương mại Mỹ… An ninh của các đồng minh Mỹ tại khu vực và nền kinh tế của chính nước Mỹ không thể bị đe dọa bởi các hành động liên tiếp và vi phạm rõ ràng các chuẩn tắc quốc tế của Bắc Kinh nhằm tạo ảnh hưởng lên biển Đông và Hoa Đông”.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida) từng là đối thủ của ông Donald Trump tranh vị trí ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ. Ảnh: ABC NEWS

“Các hoạt động trái pháp luật của Bắc Kinh trong các vùng biển này cần phải chấm dứt. Các điều khoản trừng phạt trong dự thảo này sẽ buộc những ai vi phạm phải chịu trách nhiệm và là một biện pháp răn đe với những người khác. Theo đúng luật pháp quốc tế, Trung Quốc không được phép can thiệp quyền tự do sử dụng vùng trời và vùng biển tại biển Đông và Hoa Đông của tàu và máy bay quân sự lẫn dân sự các nước” - trang thông tin chính thức của Nghị sĩ Marco Rubio đăng tải.

Tóm tắt các nội dung đạo luật được đệ trình gồm:

1- Đề nghị tổng thống Mỹ ra lệnh trừng phạt và cắt visa những cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia việc xây dựng hoặc phát triển các công trình đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên biển Đông và biển Hoa Đông.

2- Ra lệnh trừng phạt các tổ chức tài chính nước ngoài bị phát hiện thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện giao dịch tài chính cho các cá nhân và tổ chức đã bị trừng phạt, trong trường hợp Trung Quốc có các động thái như lập vùng nhận diện phòng không hay tăng cường hoạt động ở bãi cạn Scarborough.

3- Chỉ đạo báo cáo về các cá nhân và tổ chức liên quan đến các hoạt động thuộc diện bị trừng phạt, trong số đó bao gồm cả thành viên của một số công ty Trung Quốc.

4- Cấm xuất bản các tài liệu cho thấy biển Đông hoặc biển Hoa Đông là một phần của Trung Quốc, các văn bản đầu tư vào các công trình tại biển Đông và Hoa Đông, các văn bản cho rằng biển Đông hay Hoa Đông được sáp nhập vào Trung Quốc.

5- Siết chặt giám sát viện trợ cho các nước thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại biển Đông và Hoa Đông.

Theo tờ Foreign Policy, hiện chưa rõ liệu ông Rubio sẽ nhận được ủng hộ nhiều hay ít. Dự luật được ông đơn độc đệ trình mà không có thượng nghị sĩ nào khác cùng ký trình. Văn phòng của cả hai nhà lập pháp cấp của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện là Chủ tịch Bob Corker và Thượng nghị sĩ Ben Cardin đều chưa đưa ra bình luận chính thức.

Hồi tháng 7-2016, Hạ nghị sĩ Mike Pompeo, người được ông Donald Trump chọn làm lãnh đạo tương lai cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã từng đệ trình một dự luật yêu cầu Trung Quốc ngưng quân sự hóa và cải tạo đảo nhân tạo tại biển Đông, đồng thời chấm dứt các hoạt động khiêu khích trên biển Hoa Đông.

Các chuyên gia nói gì?

Tàu khu trục Mỹ USS Lassen (DDG82) hạng Arleigh Burke từng thực hiện một nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông vào tháng 10-2015.

Một số nhà phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ đã đánh giá cao dự thảo này, xem nó là cách thể hiện lập trường cứng rắn trước các động thái của Trung Quốc. Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: “Đây là một lời nhắc nhở đáng hoan nghênh, cho thấy Mỹ vẫn còn nhiều công cụ trong tay để tạo ảnh hưởng lên chính sách cảu Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông”.

Mặc dù đạo luật vẫn còn nhiều điểm theo bà Glaser là chưa tốt, điểm đáng chú ý là nó đặc biệt tập trung vào cách ứng xử của Trung Quốc chứ không phải các bên liên quan trong hai vùng biển. Bà Glaser nhận định kể cả khi đạo luật này thất bại tại Thượng viện, nó vẫn có ý nghĩa nhắc nhở rằng biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân và công ty Trung Quốc, liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp tại hai vùng biển, sẽ là một cách hiệu quả để Mỹ nắm thế chủ động và tăng uy tín trong khu vực.

Tuy nhiên, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hoa Kỳ Mới - ông Zheng Wang cho rằng một động thái “đậm chất chính trị” như thế có thể có tắc dụng ngược. Trả lời trang Foreign Policy, ông cho rằng Trung Quốc đã rất kiềm chế các hoạt động thực địa kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện biển Đông của Philippines (tháng 7-2016). Theo Zheng Wang, nghị sĩ Rubio đang “theo đuổi một điều chỉ gây hại cho quan hệ hai nước và an ninh quốc gia của Mỹ” và chỉ trích nhà lập pháp Florida “không thật sự hiểu tình hình thực tế hiện nay”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm