Thượng đỉnh Mỹ-Nga là ‘khởi đầu tốt đẹp’?

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi gặp riêng Tổng thống Putin đã nói “Tôi nghĩ cuộc gặp là một khởi đầu tốt. Một khởi đầu rất rất tốt cho tất cả mọi người”. Điều này sẽ đúng nếu mục tiêu của ông Trump trong chuyến đi lần này chỉ dừng lại ở việc “khai thông” kênh đối thoại vốn đã bị tắc nghẽn trong suốt gần chục năm qua chứ không phải nhắm tới một tham vọng đồ sộ hơn, ví dụ bình thường hóa quan hệ với Nga hay cùng Nga giải quyết các vấn đề quốc tế mà nổi cộm là Ukraine, Syria trong khuôn khổ thượng đỉnh lần này (mà có vẻ ông Trump cũng không kỳ vọng vậy).

Nhìn vào Triều Tiên phần nào sẽ đánh giá được thượng đỉnh Mỹ-Nga hiện tại. Cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đầu tháng 6 vừa qua tại Singapore, ở góc độ nào đó, cũng cho thấy “một khởi đầu tốt” khi quan hệ Mỹ-Triều đóng băng nhiều năm. Cho đến lúc này, mục tiêu “giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không bị đảo ngược” chưa có kết quả đáng kể nhưng điều có thể nhìn thấy chính là thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất mở ra cơ hội thượng đỉnh lần hai (có thể tổ chức tại Mỹ vào cuối năm nay) và hàng loạt hoạt động ngoại giao song phương, đa phương để tìm kiếm giải pháp thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Thượng đỉnh Mỹ-Nga cũng vậy. “Khởi đầu tốt” chính là cuộc gặp này mở ra một giai đoạn ngoại giao Mỹ-Nga và đa phương khả năng trở nên sôi nổi hơn. Tổng thống Mỹ không giấu cảm tình với Nga, trong khi ông Putin không che giấu mong muốn bình thường hóa với Mỹ sau nhiều năm bị Mỹ và phương Tây tấn công mạnh mẽ. Ở phạm vi quốc tế, đối thoại với Nga sẽ mở ra cơ hội giải quyết vấn đề Ukraine hơn là để tình hình đóng băng như thời gian qua; trong khi đó sự phối hợp giữa hai cường quốc tại chiến trường Syria sẽ có thể ngăn cản những cuộc chiến, trong đó dính líu đến Iran, Israel, vốn hoàn toàn không có lợi cho đôi bên.

Sẽ không có gì sai nếu nghi ngờ một kết quả dài hơi với lợi ích quốc gia Mỹ hay Nga từ thượng đỉnh. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu nhìn nhận cuộc gặp Trump-Putin lần này là một chương trình “tái kết bạn” sau thời gian dài “nghỉ chơi” thì đó là một dấu hiệu tích cực mở đường cho các chương trình ngoại giao có mục tiêu chiến lược rõ ràng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm