Hai ngày trước, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cũng đã kêu gọi Trung Quốc và Hàn Quốc đàm phán cấp cao và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại trong giải quyết tranh chấp. Quan hệ giữa Nhật với Hàn Quốc và Trung Quốc đã trở nên lạnh nhạt hơn một năm nay. Nhiều lần phía Nhật đã đưa ra đề nghị tổ chức hội nghị cấp cao nhưng Hàn Quốc và Trung Quốc không quan tâm. Đến giờ ba nhà lãnh đạo Shinzo Abe, Park Guen-hye và Tập Cận Bình vẫn chưa bao giờ hội kiến chính thức.
Chuyến công du châu Phi của Thủ tướng Shinzo Abe mới đây càng làm cho Trung Quốc tức giận. Ngày 15-1, tại cuộc họp báo ở Addis Ababa (Ethiopia), Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Phi (kiêm đại sứ Trung Quốc ở Ethiopia) Giải Hiểu Nham đã tố Nhật đang âm mưu ngăn chặn chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc và Thủ tướng Shinzo Abe là “kẻ gây rối nhất ở châu Á”. Đại sứ Giải Hiểu Nham không tiếc lời chỉ trích thủ tướng Nhật là người nỗ lực giới thiệu Trung Quốc như mối đe dọa, gieo rắc bất đồng, thúc đẩy căng thẳng khu vực leo thang và kích động chủ nghĩa quân phiệt Nhật trỗi dậy.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, hãng tin Yonhap ngày 19-1 đưa tin Bộ Giáo dục-Thể thao và Du lịch đã thành lập một tổ công tác để tiến hành kế hoạch sửa chữa phần lịch sử trong sách giáo khoa nhằm đối phó với các tuyên bố chủ quyền vô lý của các nước láng giềng. Hồi tháng 8-2013, chính phủ đã thông báo từ năm 2017 sẽ đưa môn lịch sử Hàn Quốc vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Đây là lần đầu tiên các thí sinh sẽ thi môn lịch sử Hàn Quốc trong 24 năm qua. Từ lâu các nhà chính trị và công luận ở Hàn Quốc nhận định thanh thiếu niên ngày nay không rành lịch sử trong giai đoạn các nước láng giềng như Nhật và Trung Quốc giải thích lịch sử có lợi cho nước họ.
H.DUY