Sáng 5-7, bên lề kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã trả lời nhanh về sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh này.
“Không nắm được” và “không có ý kiến”
Theo ông Cường, những sai phạm của bà Thanh xảy ra từ năm 2008 nhưng tỉnh không nắm được. Chỉ đến khi có đơn tố cáo bà Thanh, tỉnh này mới biết vụ việc.
“Chị Thanh là cán bộ thuộc diện do Ban Bí thư quản lý cho nên từ đơn tố cáo, Ban Bí thư chỉ đạo cho Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương làm. Việc kỷ luật cũng thuộc thẩm quyền của UBKT Trung ương” - ông Nguyễn Phú Cường nói và cho biết tỉnh này đang chờ ý kiến từ Ban Bí thư.
“Bà Phan Thị Mỹ Thanh bị UBKT Trung ương kết luận kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng… Điều này ảnh hưởng đến uy tín, tư cách trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai của bà Thanh. Vậy ông cho biết Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai có ý kiến như thế nào về việc này? Sắp tới Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai sẽ xử lý việc này như thế nào?” - chúng tôi đặt câu hỏi với ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai - đơn vị giới thiệu và hiệp thương cho bà Thanh ứng cử ĐBQH. Ông Tới chỉ trả lời ngắn gọn: “Mọi việc đã rõ. Tôi không có ý kiến gì thêm!”.
Một dự án của chồng bà Thanh
Có xem xét tư cách đại biểu Quốc hội?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguồn tin từ UBKT Trung ương cho biết việc xem xét, thi hành kỷ luật với bà Thanh đã được cân nhắc rất thận trọng, kỹ lưỡng. “Đúng là đồng chí Thanh có những vi phạm trong giai đoạn là giám đốc Sở Công nghiệp, rồi phó chủ tịch tỉnh. Xét thời hiệu trách nhiệm kỷ luật hành chính là hai năm thì giờ quá rồi nên UBKT không yêu cầu. Còn về tư cách ĐBQH thì cuộc họp này cũng không đề xuất, vì sai phạm từ trước đó rồi” - vị này cho biết.
Còn nguồn tin từ Ban Công tác ĐB thuộc Ủy ban Thường vụ QH cho hay đến chiều qua (5-7) vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của UBKT Trung ương. “Thông thường những trường hợp thế này, nếu có đề nghị xem xét lại tư cách ĐB thì chúng tôi mới vào cuộc. Mức độ thế nào thì cũng tùy hình thức. Nhìn chung, với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý như bà Thanh thì phải cấp này có ý kiến…” - nguồn tin cho hay.
Một ĐBQH có kinh nghiệm trong công tác bầu cử, xử lý tư cách ĐB có vi phạm chia sẻ thêm: “Điều 40 Luật Tổ chức QH quy định ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Với trường hợp bà Thanh, việc bị Đảng kỷ luật cảnh cáo chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của cử tri. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng thế nào thì khó đánh giá và còn tùy thuộc vào dư luận xã hội, đặc biệt là cử tri tỉnh Đồng Nai, nơi ĐB này sinh sống, công tác. Việc này sẽ phải trên cơ sở đánh giá của MTTQ tỉnh Đồng Nai, cũng như chỉ đạo của trung ương”.
Những tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội • Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; • Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. • Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân được nhân dân tín nhiệm… (Theo dangcongsan.vn) |