CSGT trưng dụng tài sản: Không ổn về pháp lý!

Thông tư 01/2016 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15-2 cho phép CSGT quyền trưng dụng tài sản của người dân. Các loại tài sản có khả năng bị trưng dụng khá rộng, từ chiếc xe máy đến máy chụp ảnh, máy quay phim, camera hành trình hay chiếc điện thoại trong túi quần, máy tính bảng trong túi xách…

Trên số báo trước Pháp Luật TP.HCMđã phân tích nhiều bất ổn xung quanh quy định này. Chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý.

Vượt yêu cầu công việc, thiếu khả thi

CSGT đã được trang bị một số phương tiện, trang thiết bị thiết yếu để phục vụ công tác. Ngoài ra, việc trưng dụng điện thoại, camera của người dân rất hiếm xảy ra. Vì vậy, có cần thiết quy định CSGT được trưng dụng những đồ vật vừa nêu trong khi hệ lụy lại quá nhiều?

Nhiệm vụ chính của CSGT là tuần tra, kiểm soát giao thông chứ không phải chuyên chống khủng bố hay làm nhiệm vụ đặc công, tình báo. Cho nên nếu cần CSGT chỉ cần trưng dụng ô tô, xe máy để truy đuổi cướp là được, không cần trưng dụng các phương tiện thông tin liên lạc như trên. Như vậy, quy định này vượt quá yêu cầu công việc, không phục vụ nhiều cho nhiệm vụ của CSGT và thiếu tính khả thi.

Quyền trưng dụng không có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ cho công việc của CSGT thì mục đích của quy định không đạt được. Theo tôi, không nên ban hành các quy định mà thực tế không cần và không bao giờ thực hiện được.

Ngoài ra, thẩm quyền và trường hợp nào được trưng dụng tài sản đã được luật chuyên ngành quy định rõ nhưng Thông tư 01 lại không tuân theo. Điều này có thể sẽ gây ra những hậu quả không kiểm soát được.

Ông TRƯƠNG KHẮC THIỆN, Viện trưởng
VKSND huyện Tân Phú, Đồng Nai

CSGT trưng dụng tài sản: Không ổn về pháp lý! ảnh 1

CSGT ra hiệu lệnh dừng xe một chủ phương tiện tham gia giao thông. Ảnh minh họa: HTD

Cần hủy bỏ hoặc sửa đổi quyền trưng dụng

Theo Luật Trưng mua, trưng dụng (TMTD) 2008 thì chỉ có bộ trưởng các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, GTVT, NN&PTNT, Y tế, Công Thương và chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền quyết định trưng dụng.

Tuy nhiên, Thông tư 01 trao quyền cho cá nhân chiến sĩ CSGT quyền trưng dụng song lại không nêu rõ được trưng dụng trong trường hợp nào, theo quy trình, thủ tục nào.

Luật TMTD quy định rất cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ và chi tiết về việc trưng dụng tài sản nhưng Thông tư 01 là văn bản dưới luật lại quy định những nội dung “chỏi” luật, thậm chí vượt luật là không ổn.

Ngoài ra, Thông tư 01 có căn cứ theo Luật Công an nhân dân (CAND) song các quy định dưới luật phải tuân thủ, không được trái luật chuyên ngành. Các quy định dưới luật trái với luật chuyên ngành đều không có ý nghĩa, cần phải bị hủy bỏ hoặc sửa đổi cho phù hợp.

Nói một cách công bằng, các nhà làm luật muốn tạo điều kiện tốt nhất cho CSGT làm việc nhưng muốn gì chăng nữa cũng phải đúng luật và không tạo điều kiện cho người thực thi lạm dụng. Đây lại là quy định ban hành một cách vội vàng, không phù hợp với thực tế.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Pháp Luật TP.HCM khảo sát từ 1.710 người về chủ đề “CSGT được trưng dụng điện thoại: Ý bạn thế nào?”

Cố thực hiện là sai

Thông tư 01 quy định CSGT được trưng dụng tài sản của người dân “theo quy định của pháp luật”. Nghĩa là CSGT không được trưng dụng tài sản của người dân một cách vô điều kiện mà phải “theo quy định của pháp luật”, tức là phải “kết nối” với các quy định khác mới sử dụng được quyền này.

Đối chiếu với Luật TMTD, người có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng phải là bộ trưởng của một số bộ và chủ tịch UBND tỉnh. Như vậy, các CSGT tuần tra, kiểm soát giao thông không có thẩm quyền trưng dụng. Cho nên nếu cho rằng CSGT được ra quyết định trưng dụng thì không phù hợp Luật TMTD. Cùng lắm chỉ có thể hiểu CSGT là người thực thi quyết định trưng dụng.

Về thẩm quyền trưng dụng tài sản của công an theo khoản 15 Điều 15 Luật CAND 2014 cần hiểu theo nghĩa hẹp nhất. Tức là trong tình huống khẩn cấp, CSGT trưng dụng xe máy, điện thoại tạm thời để thực hiện một việc cấp bách.

Tuy nhiên, cần có các quy định chặt chẽ khi cho việc trưng dụng, sử dụng. Nếu căn cứ theo Thông tư 01 thì nó là một quy định “treo”, chưa thực hiện được. Ai cố thực hiện là sai. Ít nhất phải là văn bản cấp nghị định quy định rõ thời điểm, điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục thực hiện quyền này thì mới nói được trưng dụng đúng hay không. Ngoài ra, quy định cần bổ sung về trách nhiệm đối với người thi hành và khi có sự lạm quyền, trưng dụng sai thì phải bị xử lý, bồi thường thiệt hại.

Ông LÊ HỒNG SƠN, nguyên Cục trưởng
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp

Dễ lạm quyền, xâm phạm đời tư

Luật sư Phan Ngọc Nhàn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk: Chiếc điện thoại thông minh có thể chứa cả kho dữ liệu về nhân thân như hình ảnh, video, tin nhắn đến các ứng dụng về công việc, lịch trình, sức khỏe, thói quen, hành vi… Sau khi trưng dụng, CSGT khai thác, sử dụng hoặc làm mất hay cố tình để người khác sử dụng thì sao?

Nếu vậy, hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bí mật đời tư như quyền về hình ảnh, quyền về thông tin và bí mật thư tín… Trong khi tinh thần của Hiến pháp 2013 và các bộ luật, luật khác là bảo vệ tối đa các quyền con người, quyền công dân.

Ngoài ra, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng các phương tiện thông tin liên lạc, kỹ thuật hiện rất phổ biến và quan trọng với đời sống của cá nhân. Tuy nhiên, Thông tư 01 mở rộng quá thẩm quyền cho CSGT mà không tính đến hậu quả.

Do vậy, nếu không quy định rõ thì có thể CSGT sẽ trưng dụng những tài sản không đúng, trong các tình huống không cần thiết. Ví dụ, người dân thấy CSGT có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên quay phim nhưng CSGT chạy đến trưng dụng camera đó thì sao?

89% ý kiến bạn đọc Pháp Luật TP.HCM không đồng tình

Việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong năm trường hợp theo quyết định bằng văn bản. Trường hợp đặc biệt thì được trưng dụng bằng lời nói nhưng phải có giấy xác nhận. Về quyền hạn, phải là bộ trưởng hoặc chủ tịch UBND tỉnh và những người này không được phân cấp quyết định trưng dụng.

Luật TMTD 2008 đã hủy bỏ thẩm quyền trưng dụng của công an (tại khoản 8 Điều 14 Luật CAND 2005) và chỉ cho phép công an được quyền huy động. Tuy nhiên, Luật CAND 2014 thay thế luật cũ đã xác lập lại quyền trưng dụng và bổ sung thêm quyền huy động tài sản của người dân.

Khi Pháp Luật TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của bạn đọc về việc “CSGT được trưng dụng điện thoại: Ý bạn thế nào?” thì 89% ý kiến không đồng tình và đề nghị sửa đổi quy định này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm