Dân được lợi gì khi TP.HCM trở thành đô thị thông minh?

Chiều 8-11, HĐND TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề góp ý đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”.

 Báo cáo tại hội nghị về đề án, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM Dương Anh Đức cho biết khi xây dựng đô thị thông minh, chất lượng sống của người dân sẽ được nâng cao, góp phần đảm bảo một môi trường thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn.

Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm thiểu tác động của ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường học đạt chuẩn chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỉ lệ tội phạm thấp và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng.

Bên cạnh đó, năng suất lao động được nâng cao khi người lao động được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để đảm bảo khản năng cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới.

Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng muốn có đô thị thông minh thì cần có chính quyền thông minh và người dân không minh. Do đó, để đề án thành công cần có sự tham gia của người dân.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Quốc Bảo nêu tầm nhìn đặt người dân là trung tâm của đô thị nhưng vấn đề nhận thức của người dân về đô thị thông minh còn chưa sâu. Theo ông Bảo, nên có cuộc điều tra khảo sát xã hội học về mức độ nhận thức của người dân, mong muốn của họ đối với đô thị thông minh cũng như cần có bộ tiêu chí đánh giá đề án.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý ban điều hành đề án cần đẩy mạnh tuyên truyền để nguời dân thấy được mình là trung tâm đô thị, tham gia giám sát quá trình xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng đô thị thông minh là một giải pháp công nghệ nhưng không thiếu đi nghĩa tình, không quên những tương tác giữa người với người, sự quan tâm của chính quyền một cách trực tiếp với người dân. Ông Tuyến cũng khẳng định xuyên suốt quá trình xây dựng, triển khai, nghiệm thu và tiếp tục phát triển đề án thì sự tham gia của người dân và xã hội là xuyên suốt, cần thiết và quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm