Những bài báo Pulitzer phơi "trò bẩn" của Chính phủ Mỹ

Trong suốt lịch sử giải Pulitzer từ năm 1917 tới nay, số vụ "kinh thiên động địa" như của NSA chỉ đếm trên đầu ngón tay, điển hình là vụ Hồ sơ Lầu Năm Góc năm 1971 và vụ Watergate năm 1973. Còn lại giải thưởng này chủ yếu dành cho những đề tài dân sinh rất đời thường.

Pulitzer, báo chí, giải thưởng, phanh phui, chính phủ, Mỹ
Các nhà báo Glenn Greenwald, Laura Poitras, Barton Gellman giúp hai báo Guardian và Washington Post nhận giải Pulitzer năm nay. (Ảnh: AP)

Từ "Hồ sơ Lầu Năm Góc"...

Tháng 6/1971, báo New York Times khởi đăng loạt bài "Hồ sơ Lầu Năm Góc" khi quân đội Mỹ còn kẹt cứng ở Việt Nam. Bằng việc tiết lộ toàn bộ âm mưu của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, hồ sơ này đã gây chấn động vì chứng minh cách hành xử vi phạm hiến pháp của một loạt tổng thống, vi phạm lời tuyên thệ của họ.

Theo tài liệu mật do cựu chiến binh thủy quân lục chiến Mỹ Daniel Ellsberg cung cấp cho New York Times, chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson khi đó đã bí mật leo thang chiến tranh và nói dối Quốc hội cũng như công chúng Mỹ về cuộc chiến Việt Nam. Ngay sau khi một phần tài liệu bị tiết lộ, làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam đã nổi lên dữ dội khiến Tổng thống Johnson không thể tái tranh cử.

... đến Watergate

Watergate là một vụ bê bối chính trị đình đám trên chính trường Mỹ, diễn ra từ năm 1972 đến 1974 với hệ quả là Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Cũng liên quan đến chiến tranh Việt Nam, loạt bài phóng sự này đã vạch trần sự lạm dụng quyền lực của chính quyền Nixon, nhằm ngăn chặn phong trào phản chiến và cản trở lực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ.

Watergate bắt nguồn từ một việc tưởng như rất đơn giản. Hai nhà báo của Washington Post là Carl Bernstein và Bob Woodward được phân công viết bài về vụ một nhóm người đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate. Đến hiện trường để thu thập thông tin, họ phát hiện đây không phải vụ trộm bình thường mà mang hơi hướng của một âm mưu chính trị.

Bernstein và Woodward phát hiện những kẻ đột nhập đều đã hoặc đang là nhân viên CIA. Hai nhà báo trẻ còn tìm được chứng cứ cho thấy, Tổng thống Nixon có liên quan trực tiếp đến vụ này. Sau nhiều cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ, năm 1974 Tổng thống Nixon phải từ chức để tránh nguy cơ bị phế truất.

Năm 1973, Carl Bernstein và Bob Woodward đã được trao giải Pulitzer cho loạt bài điều tra như trong truyện trinh thám này.

Và "nghe lén của NSA"

Năm nay Washington Post lại "ẵm" giải thưởng danh giá này cùng với báo Guardian cho hạng mục báo chí phục vụ cộng đồng, nhờ loạt bài phanh phui chi tiết chương trình theo dõi điện tử toàn cầu của Chính phủ Mỹ do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ vào tháng 6/2013.

Theo đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty Internet Mỹ, thu thập thư điện tử, các cuộc trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng Internet…. Không những thế, NSA còn theo dõi các dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ.

Các tin bài về bê bối này đã làm dấy lên tranh luận trên khắp thế giới về những giới hạn trong hoạt động giám sát của chính phủ. Nó còn khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải có biện pháp giới hạn quyền lực theo dõi của NSA.

Trong lễ trao giải năm nay, Ủy ban Pulitzer khen ngợi báo Guardian đã "tích cực đăng tải tin tức, nhằm dẫn dắt cuộc tranh luận về quan hệ giữa chính phủ và công chúng trong vấn đề an ninh và quyền riêng tư". Ủy ban cũng tuyên dương Washington Post vì đã mang lại "những bản tin chính xác và sâu sắc giúp công chúng hiểu việc tiết lộ những thông tin này nằm trong khuôn khổ lớn hơn của vấn đề an ninh quốc gia như thế nào".

Giải thưởng thường niên Pulitzer được đặt tên theo một chủ báo là Joseph Pulitzer, bắt đầu được trao từ năm 1917. Hiện mỗi giải có trị giá 10.000 USD, riêng giải báo chí phục vụ cộng đồng được nhận một huy chương vàng. Ngoài báo chí, giải thưởng Pulitzer còn trao cho các lĩnh vực văn chương, kịch nghệ và âm nhạc.Giải được trao vào tháng 4 hàng năm bởi hiệu trưởng trường Đại học Columbia, Mỹ.

 
Theo Thanh Hảo/Vietnamnet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm