BUỔI HỌP BÁO CỦA CHÍNH PHỦ

“Nóng” với ASIAD 18 và nghi án hối lộ 80 triệu yen

Sau phiên họp Chính phủ, chiếu tối 1-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo và phóng viên các báo, đài đã đặt nhiều câu hỏi chung quanh các vấn đề gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Chưa “gút” việc đăng cai ASIAD 18

. Phóng viên VTV:Quy trình để một cơ quan của Chính phủ đăng cai sự kiện thể thao văn hóa như ASIAD 18 thế nào? Tại sao có việc giải trình với cơ quan của Quốc hội, trong khi lẽ ra trước đó phải báo cáo Thủ tướng?

+ Ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Từ năm 2010, Bộ VH-TT&DL đã nắm thông tin, sau đó báo cáo với lãnh đạo phụ trách mảng này để thống nhất chủ trương chuẩn bị cho việc đăng cai ASIAD 18, tổ chức vào 2019. Sau khi được đồng ý về chủ trương, Bộ phối hợp với các ngành, địa phương rà soát các công việc.

Giai đoạn 2 là chuẩn bị, báo cáo về khả năng đăng cai. Sau đó báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng rồi mới quyết định có đăng cai chính thức hay không. Trong quá trình này, theo yêu cầu của Quốc hội, Bộ VH-TT&DL báo cáo công tác của mình, trong đó có việc chuẩn bị ASIAD.

Những ngày qua đã có nhiều ý kiến của nhân dân, chuyên gia, người tâm huyết băn khoăn về việc có đăng cai hay không. Sáng nay trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng VH-TT&DL tuần sau báo cáo để Thủ tướng quyết định.

 
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, tình trạng không trả nhà công vụ là không phổ biến, chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn. Ảnh: Hoàng Vân

. Phóng viên báo Tuổi Trẻ: Hiện có thông tin là Việt Nam đã đặt cọc khoản tiền khá lớn để xin đăng cai ASIAD 18 và nếu rút sẽ bị phạt, có đúng vậy không?

+ Theo tôi biết là chưa có đặt cọc nào cả. Năm 2010, chúng ta dự kiến kinh phí tổ chức 150 triệu USD và hy vọng chín năm sau, kinh tế phát triển sẽ đủ sức triển khai. Nhưng giờ khó khăn nên phải tính toán, cân nhắc.

Thực tế đã có tiền lệ hai quốc gia đăng cai rồi xin rút mà không bị chế tài gì.

Đã có chế tài cho việc không trả nhà công vụ

. Phóng viên báo Lao Động:Từ thông tin vụ hối lộ của JTC với dự án đường sắt sử dụng vốn vay của Nhật ở Hà Nội, dư luận rất băn khoăn về tính minh bạch và hiệu quả của việc sử dụng vốn ODA. Phiên họp Chính phủ xem xét vấn đề này thế nào?

+ Vụ việc bắt nguồn từ thông tin đăng trên báo của Nhật, chúng ta chưa biết cụ thể thế nào. Dù vậy Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với nước bạn nắm thông tin. Hai Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và nhiều văn bản đã phát đi, các bộ, ngành đã vào cuộc.

Khi gặp thủ tướng Nhật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi ngay về vấn đề này. Tôi chứng kiến lời đầu tiên hai thủ tướng gặp nhau là đôi bên phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn nói là sẽ cố gắng không để ảnh hưởng đến sự giúp đỡ ODA của Nhật.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vốn ODA của Nhật cũng có những vấn đề cần xem xét. Họp Chính phủ hôm nay, ngành giao thông vận tải cho biết những dự án như vậy chỉ nhà thầu Nhật mới được tham gia. Có những dự án lúc đầu là nhiều nhà thầu nhưng về sau chỉ còn một. Như thế không còn yếu tố cạnh tranh nữa…

. Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM: Vừa qua báo chí có đề cập tới tình trạng một số quan chức nghỉ hưu, chuyển công tác, không còn nhu cầu nhà ở nữa nhưng vẫn không trả nhà công vụ… Chính phủ có giải pháp gì khắc phục và có cơ chế quản lý chưa?

+ Đây là chuyện không vui. Điều 60 Luật Nhà ở đã quy định khá rõ về nhà công vụ, về đối tượng được sử dụng, trách nhiệm, quyền hạn của người ở nhà công vụ. Tình trạng không trả nhà công vụ, theo tôi biết là không phổ biến, chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn.

Nguyên nhân là quy định về quản lý, sử dụng nhà công vụ trước đây quá đơn giản. Cứ tin là cán bộ sử dụng xong sẽ tự nguyện trả lại mà không có chế tài, thủ tục rõ ràng. Năm 2013, phát hiện bất cập, Thủ tướng đã quyết định giao lại số nhà công vụ này cho Bộ Xây dựng quản lý. Và Bộ Xây dựng đã có văn bản quản lý diện nhà này. Theo đó, ai hết tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ thì đơn vị quản lý sẽ thông báo, cho sáu tháng thu xếp để bàn giao nhà. Hết hạn mà không giao thì cưỡng chế. Ngoài ra, với những trường hợp có khó khăn khách quan, cơ quan quản lý nhà rà soát để có giải pháp tháo gỡ...

NGHĨA NHÂN

 

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương báo cáo về ASIAD 18

Trước ý kiến khác nhau về việc tổ chức ASIAD 18, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cho biết: “Chủ trương người ta muốn Việt Nam đăng cai tổ chức và mình cũng đồng ý. Nhưng phải có phương án, kế hoạch khả thi thì mới đồng ý cho làm. Còn không thì thôi”.

Thủ tướng cũng cho hay đến lúc này, kết quả việc chuẩn bị thế nào ông cũng chưa được báo cáo, chưa rõ gì cả. “Cái này chưa báo cáo tôi mà đã trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phải báo cáo cụ thể xem phương án thế nào, chi cái gì, để Thủ tướng có ý kiến đã. Đề nghị Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Hoàng Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuần tới báo cáo” - ông nói.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL và Ủy ban Olympic Việt Nam đã hai lần giải trình trước lãnh đạo Chính phủ về việc chuẩn bị ASIAD 18. Cả hai lần này, phía cơ quan thể thao khẳng định chỉ cần 150 triệu USD là có thể tổ chức thành công ASIAD 18, trong khi đại diện Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT lại băn khoăn. Lo ngại chung là kinh phí sẽ đội lên nhiều lần, gây lãng phí ngân sách, trong lúc đất nước có nhiều việc cấp bách hơn.

Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đặt câu hỏi: Trong các kỳ ASIAD trước đây, Qatar phải chi 2,8 tỉ USD, Trung Quốc đã phải bỏ ra gần 20 tỉ USD, Hàn Quốc ít hơn cũng tới 1,6 tỉ USD. Vậy nay mai chi phí thực tế của ASIAD 18 đội lên gấp nhiều lần con số 150 triệu USD, ai chịu trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm