Thông hầm đường bộ qua đèo Cả, giảm 80% thời gian đi lại

Ngày 31-7, Bộ GTVT, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ thông hầm đường bộ qua đèo Cả trên quốc lộ 1 đoạn giáp ranh hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa.

Thực hiện nghi thức bấm nút thông hầm. Ảnh: TẤN LỘC

Thực hiện nghi thức bấm nút thông hầm. Ảnh: TẤN LỘC

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cùng các nhà thầu đã nỗ lực hoàn thành khoan hầm, tiền đề quan trọng để đưa dự án vào khai thác, vận hành vào năm 2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp tục nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng, đưa công trình trọng điểm quốc gia này vào khai thác, vận hành đúng tiến độ.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT là đầu mối làm việc với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo cho việc hoàn thành dự án.

Hầm Đèo Cả đã thông sau hơn 900 ngày thi công. Ảnh: TẤN LỘC

Hầm đèo Cả đã thông sau hơn 900 ngày thi công. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, dự án hầm đường bộ đèo Cả là minh chứng quyết tâm vượt qua thách thức, vươn tới tầm cao của chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư, thi công xây dựng hầm đường bộ có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - lĩnh vực mà từ trước tới nay, khi Việt Nam thường phụ thuộc vào nguồn vốn, công nghệ, nhà thầu thi công của nước ngoài.

Cửa phía bắc hầm Đèo Cả. Ảnh: TẤN LỘC

Cửa phía bắc hầm đèo Cả. Ảnh: TẤN LỘC

Cũng theo ông Hoàng, dự án hầm đường bộ đèo Cả có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 13 km, điểm đầu tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa (Phú Yên), được thiết kế bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,75 m, có điểm đầu tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa (Phú Yên), điểm cuối tại thôn Cổ Mã, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Trong đó, hầm đèo Cả dài 4.125 m, bắt đầu chính thức thi công từ đầu tháng 1-2014, đến nay thông hầm vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch ban đầu.

Còn hầm Cổ Mã dài 500 m đã thông xe kỹ thuật hồi tháng 9-2015. Ngoài ra, dự án còn có sáu cầu với tổng chiều dài 1.200 m, đường dẫn dài hơn 6.670 m, được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc Bắc-Nam, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. 

Sau khi hoàn thành, chiều dài qua khu vực dự án sẽ rút ngắn 38%, giảm 80% thời gian đi lại so với hiện nay.

Ban đầu dự án có tổng mức đầu tư hơn 15.600 tỉ đồng, trong đó hầm đèo Cả được xây dựng theo hình thức BOT với kinh phí 10.555 tỉ đồng, hầm Cổ Mã, đường dẫn, cầu trên tuyến xây dựng theo hình thức BT với kinh phí hơn 4.500 tỉ đồng.

Do thay đổi thiết kế, rút ngắn khoảng 1 km chiều dài hầm chính, dự án tiết giảm hơn 3.600 tỉ đồng, được chuyển sang đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông đoạn giáp ranh hai tỉnh Bình Định - Phú Yên. Theo kế hoạch, dự án sẽ khai thác, hoàn vốn trong 28 năm.

Hình ảnh bên trong hầm đèo Cả vừa được khoan thông:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm