Gửi trẻ ở nơi xung quanh là ổ điện, bếp gas

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM đã nói như trên tại buổi họp với UBND quận Bình Tân, TP.HCM  về hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày 17-4.

Cũng theo bà Thu,  đoàn giám sát đã đến thăm nhóm trẻ hộ gia đình của bà Lê Thị Nh. và bà Nguyễn Thị H. ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Tại đây, mỗi hộ chỉ giữ ba trẻ nhưng đáng lo ngại là mức độ an toàn cho trẻ không cao.

Cụ thể, tại nhóm trẻ của bà Nh., dù bà đã gần 60 nhưng vẫn nhận giữ ba trẻ. Nơi giữ trẻ là ngôi nhà được che chắn xung quanh, chật hẹp, tối tăm. Vị trí ổ điện, bếp gas thấp, không có đồ chơi, các bé chủ yếu xem tivi. Thậm chí đồ ăn phụ huynh gửi cũng không được cho vào tủ lạnh.

Nhóm trẻ tại gia đình bà Nguyễn Thị H. cũng không khá hơn. Bà H. vừa bán tạp hóa vừa trông ba đứa trẻ trong khuôn viên ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh. Bà H. cũng không vệ sinh bình sữa sau khi trẻ uống, để ruồi bám xung quanh rất mất vệ sinh.

“Tôi kiến nghị phường, quận nên quan tâm đặc biệt đến nhóm lớp này bằng cách thường xuyên kiểm tra. Nếu hộ nào không đủ điều kiện trông, chăm sóc trẻ nên chấm dứt hoạt động”, bà Thu đề nghị.

Ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM phát biểu tại cuộc họp.  Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Lý giải khó khăn trên, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho hay quận Bình Tân đang phải đối diện rất lớn với áp lực về gia tăng dân số. Năm 2018, quận có 740.000 dân, trong đó dân nhập cư chiếm đến 65%. Nhu cầu gửi trẻ của người dân ngày càng lớn, trong khi đó các trường mầm non công lập không kịp đáp ứng đã khiến cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải gánh đến 73,1% nhu cầu gửi con của người dân.

Theo số liệu của phòng GD&ĐT quận, năm học 2017-2018, quận có 348 cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó có 22 trường công lập, 64 trường ngoài công lập và 262 nhóm lớp độc lập, tư thục. Bên cạnh đó còn có 72 nhóm trẻ gia đình đang hoạt động với 403 trẻ.

Ông Thiện cho biết với nhóm trẻ gia đình, hội liên hiệp phụ nữ quận thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề, tập huấn kỹ năng và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho những người trông trẻ. Đặc biệt, quận cũng chỉ đạo phường thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện những sai phạm và xử lý.

"Về lâu dài, quận Bình Tân sẽ xóa dần hình thức gửi trẻ hộ gia đình. Thay vào đó là khuyến khích các nhóm, lớp phát triển thành trường", ông Thiện nói.

Theo ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nhóm trẻ gia đình xuất hiện là để đáp ứng nhu cầu gửi con ngoài giờ của công nhân tại các khu chế xuất.

"Tôi nghĩ để giải quyết vấn đề này, quận nên rà soát thật kỹ về nhu cầu trên, xem số lượng cần gửi là bao nhiêu để có kiến nghị với UBND TP. Không thể để  tình trạng gửi trẻ ở những hộ gia đình không bảo đảm an toàn như trên được. Ngoài ra, quận cũng cần tăng cường tuyên truyền phụ huynh gửi trẻ vào các cơ sở an toàn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ quản lý”, ông Lưu nhấn mạnh. 

Đình chỉ hoạt động cơ sở mầm non bạo hành trẻ
Đình chỉ hoạt động cơ sở mầm non bạo hành trẻ
(PLO)- Chiều 26-11, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12, TP.HCM, đã thốt lên như vậy và xác nhận đã đình chỉ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (thuộc phường Hiệp Thành) khi xuất hiện clip các bảo mẫu ở cơ sở này đày đọa trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm