Trường chuyên: Phản sư phạm, không cần thiết

Cần dừng phát triển các loại hình trường chuyên bởi lứa tuổi học sinh cần được phát triển một cách bình thường, cân bằng và toàn diện chứ không phải là được trở thành nhân tài hay thiên tài.

Có thể nói những hệ quả về mặt tâm lý-xã hội như luôn sống trong sự căng thẳng do áp lực thành tích, sự phát triển nhân cách không hoàn thiện do chỉ tập trung vào các môn khoa học… đối với các em học sinh học tại các trường chuyên là điều không có gì phải bàn cãi.

Vấn đề cũng cần đặt ra ở đây là sự tồn tại của loại hình trường chuyên có hợp lý hay không xét về mặt mục tiêu của giáo dục phổ thông lẫn xét theo tính sư phạm. Cần phải lưu ý rằng giáo dục bậc phổ thông không nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước mà mục tiêu là giúp học sinh có được một nền tảng cơ bản về kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể hội nhập xã hội và học lên ở các bậc học cao hơn. Như vậy thì sự tồn tại của trường chuyên là không cần thiết.

Còn nếu xét theo tính sư phạm thì với cách giáo dục trong trường chuyên như hiện nay thì có thể gọi đó là kiểu giáo dục phản sư phạm. Xét theo góc nhìn xã hội học thì bậc học phổ thông, bên cạnh chức năng trang bị kiến thức căn bản về khoa học cho học sinh, còn một chức năng quan trọng khác đó là “xã hội hóa” các em, tức là trang bị cho các em những cách suy nghĩ, ứng xử, những giá trị và chuẩn mực mà xã hội đề cao, hay nói cách khác là dạy các em cách “làm người” để các em có thể trở thành một con người hợp chuẩn trong xã hội và được xã hội chấp nhận. Đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục của các trường THPT chuyên tại TP.HCM” (*) cho thấy học sinh trường chuyên có chỉ số IQ cao nhưng chỉ số EQ thấp, các em khó hòa nhập với người khác, không thể làm việc theo nhóm là hiện tượng đáng báo động. Trong một môi trường đề cao thành tích, học sinh sẽ không phát huy tinh thần hợp tác, chủ yếu là đua tranh xem ai giỏi hơn ai. Do tính đua tranh đã nhập tâm nên sẽ tạo ra tính ích kỷ, không biết chia sẻ. Vì sống trong một không khí luôn đua tranh nên chuyện bị áp lực thắng-thua là rất lớn và đây cũng là một cội nguồn của những phản ứng sai lệch về sau.

Trường chuyên: Phản sư phạm, không cần thiết ảnh 1

Tuổi học sinh cần được phát triển bình thường, cân bằng và toàn diện chứ không phải trở thành thiên tài. Ảnh minh họa: HTD

Tất nhiên, trường chuyên cũng có lợi ích là học sinh ham học chứ không ham chơi nhưng những mặt trái của loại hình đào tạo này lại chiếm nhiều hơn. Vì vậy, có lẽ cần phải đi đến chỗ dừng các loại hình trường chuyên bởi lứa tuổi học sinh cần được phát triển một cách bình thường, cân bằng và toàn diện chứ không phải là được trở thành nhân tài hay thiên tài. Điều này có lẽ cũng cần được các bậc phụ huynh hiểu và chấp nhận để không tạo thêm những áp lực không cần thiết cho các em.

(*) Xem Pháp Luật TP.HCM ngày 20-7-2010

ThS LÊ MINH TIẾN

AP, IB là gì?

Tôi có theo dõi loạt bài về việc phát triển hệ thống trường chuyên trên báo Pháp Luật TP.HCM và đồng tình với những ý kiến cho rằng khái niệm trường chuyên đang được áp dụng tại Việt Nam mang tính lệch lạc, không có lợi cho sự nghiệp giáo dục nói chung.

Tuy nhiên, số báo ra ngày 22-7 có một mẩu nhỏ giới thiệu “các chương trình đào tạo đặc biệt ở Mỹ” là AP và IB thông tin chưa đầy đủ, có thể làm mọi người hiểu nhầm về các chương trình này.

Trước tiên, mặc dù giấy chứng nhận của hai chương trình này đều được nhiều nước công nhận và chương trình được triển khai ở nhiều nước, AP (Advanced Placement) là chương trình của Mỹ, còn IB (International Baccalaureate) xuất phát từ châu Âu (trụ sở ở Thụy Sĩ).

AP cũng gần giống như khái niệm lớp chọn. Học sinh nào thích hay có năng khiếu một môn nào đó, nếu được sự đồng ý của trường, sẽ đăng ký học. Vì vậy, AP có đều ở các môn từ toán, hóa, sinh đến văn, sử, ngoại ngữ… Thậm chí các môn như nghệ thuật, chính trị, môi trường, tâm lý học đều có chương trình AP. Dĩ nhiên, trường lớn thì tổ chức được nhiều môn, trường nhỏ thì tùy khả năng mà mở lớp AP thích hợp. Học sinh có thể học các lớp AP từ năm lớp 10, 11 hay 12 đều được. Chương trình học nặng hơn chương trình bình thường, tương đương với môn này ở những năm đầu đại học. Học xong, học sinh có thể đăng ký thi AP do College Board tổ chức. Em nào được điểm 4, điểm 5 thì khi vào đại học, tùy theo yêu cầu của từng trường, có thể được miễn học môn đó và vẫn được tính tín chỉ. Các trường đại học danh tiếng ở Mỹ thường tuyển sinh viên dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có điểm AP, có em làm luôn 7, 8 môn AP.

Học sinh học IB hay đúng hơn, theo học Chương trình Diploma IB, phải chọn đủ sáu môn chính, trong đó có cả toán-tin học, nghệ thuật, ngôn ngữ, các môn khoa học như hóa, lý, sinh… Trường muốn dạy chương trình IB phải được công nhận (hiện toàn thế giới có 126 trường được công nhận). Học sinh phải thi để lấy bằng tú tài quốc tế. Có bằng này thì sẽ được nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển.

Ở Việt Nam, các trường quốc tế như Trường SSIS có dạy và tổ chức thi một số môn AP, Trường International School HCMC được công nhận để dạy theo chương trình IB.

NGUYỄN VẠN PHÚ

Không học thêm không phải học sinh trường chuyên

Học sinh trường chuyên chẳng hạn như học sinh Lê Hồng Phong, khi mới vào cấp 3 đã có hơn nửa số học sinh dự tính sẽ đi du học sau lớp 12 nên ai cũng học đều để tô cho bảng điểm mình thiệt đẹp. Thậm chí phải học SAT, IELTS, TOEFL ngay từ năm lớp 10. Nếu không đều, cuối năm 11, nộp bản điểm đi đâu cũng sẽ bị từ chối và còn phải giữ bản điểm đẹp để được xét khi vào năm nhất đại học. Nên học sinh trường chuyên học nhồi nhiều hơn nhưng không học lệch.

Còn về dạy lệch, nếu là học sinh trường chuyên ai cũng biết giáo viên trường chuyên thật sự không dạy hay, chỉ có một vài ngôi sao đình đám trong mỗi bộ môn, còn lại hầu như giáo viên trường chuyên dạy cũng rất qua loa, thậm chí là môn của phân ban. Nên có những câu nói vui trong trường: “Không đi học thêm không phải học sinh trường chuyên”. Vì nếu học sinh trường chuyên chỉ học những kiến thức được dạy qua loa trong trường mà không đi học thêm thì thật khó để đáp ứng được yêu cầu của bài thi đại học và kiểm tra trong lớp. Mà oái ăm thay, học sinh trường chuyên lại không thường đi học thêm ở các thầy cô trường chuyên mà thay vào đó là các thầy cô dạy lò nổi tiếng khác, hoặc các trung tâm uy tín như Trung tâm Lý Tự Trọng.

(Một cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm