Ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt và chuyện lấy dân làm gốc

Tháng 7-1967, ông Huỳnh Văn Cang (còn gọi là Tư Cang) - từng là thư ký của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Chủ tịch UBND quận 11, nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - được điều từ Ban Tuyên huấn T4 sang văn phòng của ông Võ Văn Kiệt, là Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định.

Kể từ đây, ông Tư Cang đã cất giữ cho riêng mình những mảng ký ức về một Thủ tướng luôn gần dân, trăn trở với nỗi lo nước nhà; một con người với nhân cách lớn của đất nước.

Con người của chiến trường

Dù chỉ gắn bó với ông Sáu Dân với vai trò thư ký trong gần một năm (1967- 1968) nhưng ông Tư Cang nhận định: “Ổng có nhiều điểm đặc biệt lắm”.

Đó là vào ngày đầu tiên khi ông Tư Cang theo chân Chánh văn phòng Khu ủy Sài Gòn-Gia Định lúc đó là ông Tám Bình đến gặp ông Sáu Dân. “Trên đường đi thì chúng tôi gặp ông Sáu Dân đang đi ra, vui vẻ bắt tay chúng tôi bảo tạt vô bóng câu bên kia ngồi nói chuyện đi, ở đó có gió mát” - ông Tư Cang kể.

Ông Tư Cang kể về kỷ niệm của mình với ông Sáu Dân. ẢNH: THANH TUYỀN

Sau khi hỏi thăm gia đình, công việc trước đây của ông Tư Cang, ông Sáu Dân liền bắt tay ngay vào công việc. Ông Sáu Dân yêu cầu chuẩn bị gấp để đi chiến trước, tìm cho ông một chiếc xe đạp để ông tự đi. Ông Tám Bình bày tỏ sự lo ngại về an toàn của ông Sáu Dân vì phải đi sâu vào vùng địch.

“Ông Sáu chỉ cười bảo trong kháng chiến mỗi người đều có một vị trí, ai cũng cần đứng đúng vị trí được phân công, không vì sợ chết mà tránh né. Ông lại là tư lệnh tiền phương nên càng phải đứng đúng vị trí của mình, trong chiến tranh thì không nên sợ chết” - ông Tư Cang nhớ lại.

Rồi ông Sáu Dân quay sang hỏi ông Tư Cang: “Cang có sợ chết không?”. “Em không sợ” - ông Tư Cang đáp lại.

Ông Sáu cười hiền: “Đi chiến trường không chỉ cần gan dạ mà còn phải lanh lẹ nữa”. Từ sau lần đó, dù có mệt đến nhường nào, ông Tư Cang và các anh em cũng gắng để theo kịp ông Sáu Dân.

Ông Tư Cang nói rằng điều khiến ông nể trọng ông Sáu Dân là ở sự độc lập, không vì là cấp trên mà sai khiến cấp dưới. “Từ chuyện cá nhân đến công việc, ông đều tự chủ động lo cho mình, không làm phiền đến ai cũng không thích sai vặt người khác. Cứ làm được thì ông tự làm thôi” - ông Tư Cang nhớ lại.

Cũng chính vì đức tính đó mà những lần đi vào chiến trường, ông Sáu Dân đều tự mình đạp xe hoặc đi bộ cùng anh em chứ không ngồi xe Honda nhờ người khác chở vào. “Tôi phục ông vì sức khỏe, sự dẻo dai và luôn tự mình đi sâu vào các vùng rừng rậm, không nề hà chuyện khó” -ông Tư Cang nói.

Câu chuyện về hạt gạo

Trên bàn thờ ngay trong nhà mình, ông Tư Cang để ba tấm ảnh chân dung của ba người lãnh đạo mà ông kính trọng. Lần lượt từ trái qua là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuối cùng là chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Tư Cang kể câu chuyện khiến ông nhớ mãi về cái tâm của cố Thủ tướng dành cho người dân. Đó là vào năm 1978, khi tình hình lúa gạo trong nước không được khả quan, người dân phải chật vật chạy từng bữa cơm hằng ngày.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Thanh niên

“Gặp tôi, ông Sáu Dân bảo là tình hình này mua gạo cho dân khó quá nên ông sẽ điều chỉnh lại bữa ăn của mình. Tôi hỏi ông sẽ làm như thế nào, ông cười bảo: 'Thì bình thường mình ăn hai, ba chén cơm giờ cắt xuống còn một chén là được, ăn cho nó lưng lưng cái bụng được rồi chứ cần gì phải cho no, rồi cũng qua một bữa ăn thôi mà'. Chỉ có ông mới nghĩ được như vậy, mới nghĩ đến người dân theo cách như vậy” - ông Tư Cang xúc động.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Sáu Dân cũng đã mời nhà thơ Viễn Phương đến dùng chung với ông bữa cơm. Lần đó, ông đã trải tấm bạt nhỏ ra giữa đất rồi cùng ngồi ăn. Vì quá xúc động trước sự giản dị, gần gũi của ông Sáu Dân mà nhà thơ Viễn Phương lúc đó đã viết nên bài thơ Hạt gạo tình thương. Trong đó có câu: Ngồi dưới đất ăn cơm mà gừng cay muối mặn.

"Mình sống nhờ dân thì phải nghe dân”

Trong trí nhớ của ông Tư Cang, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là con người sống vì dân, luôn dành thời gian, để tâm đến tâm tư, tình cảm của người dân. Với ông Sáu Dân, chữ “Dân” là tôn chỉ mà ông luôn mang theo suốt bên mình. Chính vì thế mà ông đã lấy cái tên là Sáu Dân, đến cả tên con gái cũng là Dân - Hiếu Dân.

“Vì ông luôn sống chết vì nhân dân, luôn trăn trở với những gì đã và chưa làm được cho dân, luôn biết cách lắng nghe dân nên chữ “Dân” trong lòng ông Sáu lớn lao lắm. Nhìn cái cách ông nằng nặc đòi đặt tên cho con gái phải có chữ “Dân” là biết, dù vợ của ông muốn đặt tên khác” - ông Tư Cang nhớ lại.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM. ẢNH: TRẦN VI

Những lần phải xây dựng căn cứ chiến đấu ở nhiều tỉnh, thành, điều mà ông Sáu Dân nhắc nhở anh em đầu tiên là: “Phải ở chỗ có dân chứ không ở vùng trắng, vùng không có người dân. Chúng ta luôn phải dựa vào dân, phải cùng ở, cùng chiến đấu với dân”.

Cũng chính vì quyết định đó mà có lần ông Tư Cang lo ngại người dân sẽ báo tin cho địch ở vùng lân cận. Nhưng ông Sáu Dân trấn an: “Dân mình, cứ tin đi. Tin dân là tốt. Mình sống nhờ dân, phải nghe dân”.

“Ông luôn có niềm tin rất lớn ở người dân, luôn bám dân và muốn được gần gũi hơn với người dân. Bất cứ ai có điều gì muốn giãi bày ông đều lắng nghe” - ông Tư Cang nói.

Người luôn đau đáu vì dân, vì nước

Là con người sống tình cảm với cấp dưới và mọi người xung quanh nhưng trong công việc, ông Sáu Dân lại là một một người sòng phẳng và dứt khoát. Ông luôn dặn dò người làm cùng mình rằng đã không làm thì thôi, quyết định làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn, không nửa vời.

“Ông lại vốn là một người nông dân nên cách ví von nghe dung dị lắm. Ông bảo làm việc gì cũng phải như người nông dân cầm cuốc mà cuốc xuống đất, phải mạnh mẽ và dứt khoát thì mới thu lại được thứ mình cần. Người nào làm việc mà cứ dùng dằng thì không thể ở gần ông được” - ông Tư Cang nói.

Cũng chính vì tính cách quyết liệt đó, khi phát hiện một cán bộ cấp dưới mình tham nhũng, ông Sáu Dân đã thẳng thắn yêu cầu phải trị cho được chứ không khoan nhượng.

“Người ta dám phá thì mình phải đủ bản lĩnh để trị. Phát hiện được một cán bộ tham ô hay nhũng nhiễu là tốt. Mình đừng có sợ phát hiện ra một người như vậy mà sợ ảnh hưởng đến thi đua, phải mừng chứ. Mừng vì chúng ta trị được căn bệnh này, để còn làm gương cho kẻ sau. Phải thương dân mình với chứ”, ông Tư Cang nhớ rõ lời dạy của cố Thủ tướng.

"Đến ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn đau đáu với bài toán cho dân mình”, ông Tư Cang nhớ về ông Sáu Dân. Để tưởng nhớ, ông đã viết một hồi ký ngắn về những ngày tháng thư ký cho ông Kiệt, in trong cuốn sách viết về cố Thủ tướng. ẢNH: THANH TUYỀN

Cho đến hôm nay, mỗi lần nhắc về sự ra đi của cố Thủ tướng, ông Tư Cang nói trong sự tiếc nuối: “Ông ra đi quá bất ngờ, giữa lúc chuẩn bị cho một chuyến đi sang Hà Lan để nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm làm đê dọc theo bờ biển để kịp thời ứng phó với việc thay đổi khí hậu, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long... Đến ngày cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn đau đáu với bài toán cho dân mình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm