Nghe lời phát biểu này và đối chiếu với những gì nhóm Mộc đã thể hiện, chúng tôi không khỏi băn khoăn: Nên hiểu về acappella sao cho đúng?
Acappella có lẽ là một trong những thuật ngữ âm nhạc gây hiểu lầm nhiều nhất. Từng được sử dụng lần đầu trong âm nhạc Công giáo Ý nhưng thuật ngữ này lại có gốc gác từ tiếng Latin, có nghĩa là “theo phong cách nhà thờ”.
Hiểu sao cho đúng acappella?
Các nhà âm nhạc học trên thế giới đã có nhiều bàn cãi thú vị xem nên hiểu acappella như “theo phong cách nhà thờ” hay “hát không nhạc đệm”? Theo chúng tôi, cả hai đều không hoàn toàn đúng. Mặc dù từ những thế kỷ đầu Công nguyên, trong các nhà thờ Công giáo chỉ có giọng người mới được phép sử dụng để ca hát trong việc thờ phụng. Nhưng ít lâu sau đó, người ta đã sử dụng một vài nhạc cụ diễn cùng giai điệu với giọng hát. Thậm chí, âm nhạc không lời và nhạc đệm cho ca hát trong nhà thờ đã phát triển rất mạnh, nhất là khi ra đời loại đàn phím như phong cầm (harmonium), đại phong cầm (pipe organ). Do đó “theo phong cách nhà thờ” không có nghĩa là hoàn toàn “hát không nhạc đệm”.
Bên cạnh đó, theo truyền thống âm nhạc trên thế giới, acappella thường gắn liền với âm nhạc hợp xướng không nhạc đệm, từ ban đầu là âm nhạc nhà thờ nhưng sau được dùng cả trong âm nhạc thế tục. Acappella còn được coi như dạng đối lập của cantata (vẫn được hiểu là đại hợp xướng hay trường ca có nhạc đệm). Và có thể nói hầu hết những bản hợp xướng được viết trước năm 1600 đều thuộc loại acappella. Kể từ thế kỷ 18 nhạc cụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong biểu diễn, nên hình thức acappella dần dần bị lãng quên.
Ban hợp xướng Suối Việt sẽ trình diễn lần đầu tiên bản hợp xướng acapella Cánh cò quê trên VTV vào ngày 30-4-2012. Ảnh: SN
Nhạc của nhóm Mộc không phải acappella
Tại Việt Nam, số lượng tác phẩm hợp xướng acappella và số tác giả viết đúng nghĩa về thể loại này có rất ít. Tuy không có phần nhạc đệm nhưng một tác phẩm acappella đòi hỏi người viết phải am tường cả kỹ thuật cho thanh nhạc lẫn khí nhạc. Có như vậy, một hợp xướng không nhạc đệm vẫn được vang lên “đầy” như có nhiều nhạc cụ đệm theo.
Gần đây, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và dàn dựng, biểu diễn một bản hợp xướng acappella thật sự tuy không lớn đó là Cánh cò quê của nhạc sĩ Lê Quân. Tuy anh khiêm tốn nói rằng đây chỉ là thử nghiệm nhưng hiệu quả đạt được lại thật đầy đặn, thú vị và lạ đến tận cuối bài. Trong một tác phẩm không dài nhưng có mặt cả thủ pháp đa tiết tấu của âm nhạc đa âm (phức điệu) hiện đại và kỹ thuật phân bè trong khí nhạc. Mặc dù “theo phong cách nhà thờ” nhưng trong âm nhạc nhà thờ tại Việt Nam hiện nay cũng không tìm thấy được một bản acappella như vậy!
Chúng tôi thiết nghĩ chỉ có tác phẩm Cánh cò quê mới thực sự là acappella nghệ thuật acappella cũng không có chỗ cho các yếu tố như nhạc sĩ Huy Tuấn nhận xét: trình diễn đội hình, cách hòa bè (mà phải là hòa âm - harmony).
Trở lại với nhóm Mộc, loại âm nhạc mà nhóm đã trình bày vừa qua là nhạc beatboxing hơn là acappella. Beatboxing là một hình thức của vocal percussion (dùng miệng, môi, lưỡi, thậm chí cả những cái vỗ, đập vào thân người,…) có liên hệ chặt chẽ với văn hóa hip-hop mặc dù nó không giới hạn trong loại nhạc này. Tuy beatboxing được coi như một loại nhạc acappella nhưng khác với acappella chính thống chủ yếu ở chỗ: Đơn giản hơn nhiều về hòa âm, đối âm và có sử dụng vocal percussion. Nói theo ngôn ngữ âm nhạc điện toán, có thể coi beatboxing như một hình thức nhạc sampling (bắt chước mẫu có sẵn) có sử dụng vocal percussion hơn là một acappella.
Tại Mỹ những người thích xem hát rong trên đường phố thường dùng từ acappella để ám chỉ cách hát những ca khúc của những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước mà không dùng nhạc cụ đệm theo. Vào những năm 1940, trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi xuất hiện một thể loại thanh nhạc (dựa trên loại nhạc R&B) dùng cho nhóm hát gọi là doo-wop. Trong đó, người ta dùng cách hòa âm đơn giản cho các bè giọng, hát các vần, âm vô nghĩa với tiết phách đơn giản, có dùng ít hoặc không dùng nhạc cụ. Âm nhạc và ca từ của doo-wop rất đơn giản và thường được dùng làm nhóm bè mà thôi. Đến đầu những năm 1960, xuất hiện trên thị trường ca nhạc Mỹ một loạt những bản thu âm mang tên The Best of Acappella của các nhóm doo-wop không dùng nhạc đệm. Trên đĩa nhựa đầu tiên của serie này có ghi chú Acappella nghĩa là “hát không có nhạc đệm”. |
ThS NGUYỄN BÁCH, Hiệu trưởng Trường Âm nhạc B.A.C.H