Bị hàng xóm xây nhà làm nứt tường, phải làm gì?

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bích Loan (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho rằng ngôi nhà mà bà đang ở có thể sụp bất cứ lúc nào, các vết nứt trên tường xuất hiện ngày càng nhiều. Nguyên nhân được bà nêu ra là do hàng xóm xây nhà kế bên gây ảnh hưởng.

Không bị đình chỉ thi công vì nhà đã xây xong

Bà Loan cho biết cách đây vài tháng, hộ kế bên bắt đầu thi công xây dựng căn nhà ba tầng. Quá trình đào móng và xây dựng khiến cho móng của nhà bà bắt đầu sụt lún, tường bị nứt thành những vệt lớn.

“Thời điểm ban đầu, tường bị nứt và nền nhà lún sụt ở mức độ nhẹ. Cửa ra vào do nền bị lún xuống nên bị kẹt, mở ra mở vào khó khăn. Tôi có phản ánh tới chủ nhà bên cạnh về tình trạng nhà bị như thế, họ nói sẽ cho người qua khắc phục nhưng sau đó không thấy đâu. Tôi phải tự kêu thợ vào cắt, gọt cửa hết 1,6 triệu đồng” - chị Loan kể lại.

Tới thời điểm hiện tại, căn nhà có rất nhiều vết nứt lớn trên tường, những viên gạch trên nền nhà bị nứt vỡ, nền nhà đang nghiêng về một bên. Do đó, gia đình bà Loan yêu cầu chủ công trình kế bên phải qua sửa và gia cố lại móng nhà cho gia đình bà.

Ông NVĐ, chủ của căn nhà bị phản ánh, cho biết ông cùng với bà Loan đã ngồi lại với nhau để thống nhất cách giải quyết. Tuy nhiên, những yêu cầu khắc phục mà bà Loan đưa ra vượt quá khả năng mà ông có thể đáp ứng. Bởi lẽ ông Đ. cho rằng bằng mắt thường chưa thể xác định được mức độ thiệt hại do quá trình thi công xây dựng gây ra đối với nhà bà Loan, trong khi đó là căn nhà cấp bốn đã xuống cấp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đặng Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, cho hay: UBND xã mới nhận được đơn thư phản ánh từ gia đình bà Loan, trong khi đó công trình xây dựng kế bên đã hoàn thiện. Do vậy chính quyền xã không thể đình chỉ thi công.

“UBND xã đã tổ chức hai buổi làm việc để hai hộ gia đình lên hòa giải cũng như thỏa thuận mức bồi thường, tuy nhiên cả hai lần hòa giải đều không thành. Hiện xã đã gửi hồ sơ lên UBND huyện và thông báo cho Đội Thanh tra xây dựng địa bàn huyện Hóc Môn để theo dõi và xử lý” - ông Phúc nói.

Căn nhà hỏng của bà Loan chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về trường hợp hàng xóm xây nhà gây nứt tường, hư nhà mình mà hai bên không thỏa thuận mức bồi thường đã được nhiều bạn đọc khác liên tục phản ánh đến báo trong thời gian qua.

Nhà xuất hiện những vết nứt, xuống cấp nhưng bà Loan vẫn chưa được hàng xóm bồi thường. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Phải giám định mới có cơ sở bồi thường

Thực tế đã có kinh nghiệm đưa ra từ chuyện buộc hàng xóm phải bồi thường khi thi công công trình làm nứt nhà mình.

Nhà của ông PVD (số 188 tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang) được xây và sử dụng ổn định từ tháng 9-2011. Đến đầu năm 2015, khi căn nhà kế bên do ông LVV làm chủ được xây dựng mới đã khiến nền nhà, phần tường xây và đà dầm nhà bị sụt lún, rạn nứt và gãy.

Cho rằng việc thi công nhà cao tầng của ông V. là nguyên nhân dẫn đến lún sụt, hư hỏng nhà mình nên ông D. khởi kiện ra TAND huyện Cái Bè yêu cầu ông V. phải bồi thường 700 triệu đồng.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Cái Bè cho rằng ông D. chỉ đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường mà không chứng minh được thiệt hại cụ thể. Từ đó, tòa chỉ tuyên chấp nhận sự tự nguyện của ông V. hỗ trợ cho ông D. 25 triệu đồng.

Không đồng ý với bản án này, ông D. kháng cáo, đồng thời yêu cầu một công ty đến nhà mình giám định thiệt hại để làm chứng cứ nộp cho tòa phúc thẩm. Kết luận giám định xác định giá trị còn lại của căn nhà trước khi sự cố xảy ra là 56%.

Do đó đầu năm 2017, HĐXX phúc thẩm tuyên án chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông D., buộc ông V. phải bồi thường thiệt hại hơn 280 triệu đồng và trả chi phí giám định là 35 triệu đồng.

Theo luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, chuyện nhà hàng xóm xây nhà gây nứt tường nhà mình xảy ra ở đô thị khá nhiều. Khi chủ nhà xây dựng làm lún, nứt nhà lân cận thì phải có trách nhiệm bồi thường. Trước tiên, hai bên sẽ tự thỏa thuận mức bồi thường cho nhau. Nếu không thỏa thuận được thì đưa vụ việc ra UBND cấp xã, không được nữa thì ra tòa nhưng đồng thời phải yêu cầu giám định để xác định mức thiệt hại cụ thể.

Trong trường hợp bà Loan, khi hàng xóm không chịu bồi thường cho việc gây nứt nhà, UBND xã đã tiến hành hòa giải hai lần đều không thành thì bà Loan có thể khởi kiện ra TAND huyện Hóc Môn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Kèm theo đó, bà nên yêu cầu tòa án trưng cầu giám định để xác định thiệt hại, trên cơ sở đó tòa sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể để bên gây thiệt hại bồi thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm