Sàn giao dịch BĐS điêu đứng vì tác động kép

Thị trường đóng băng từ năm ngoái, cộng thêm tác động từ dịch COVID-19 khiến sàn giao dịch bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi chỉ còn vài nhân viên bám trụ hoặc đóng cửa dài hạn.

Tác động kép khiến sàn môi giới trống vắng

“Sắp tới, chúng tôi buộc phải xem xét hoặc dừng các chương trình tổ chức sự kiện để bán dự án mới. Tâm lý khách hàng mùa này cũng không thích tới chỗ đông người. Trước đây, khi có dự án mới, cuối tuần chúng tôi thường tổ chức cho khoảng 50 khách đi tham quan thực tế nhà mẫu, nay thì khó tổ chức được như vậy” - đại diện một công ty môi giới BĐS ở quận 3 chia sẻ.

Trong bối cảnh thị trường đóng băng, dự án bị ách tắc, dịch COVID-19 như một đòn chí tử thêm vào tình cảnh vốn đang rất chật vật của các doanh nghiệp môi giới BĐS.

Lãnh đạo một công ty môi giới BĐS có tiếng tại TP.HCM cũng cho biết các công ty môi giới nhỏ lẻ hoặc tiềm lực yếu, manh mún sẽ dễ bị đào thải trong giai đoạn này.

“Một dự án hàng chục ngàn căn, số lượng công ty phân phối F1 sẽ ở tầm khoảng 200, thêm 800 công ty F2 thì khi dự án ngưng bán có thể đến 80% số công ty sẽ khó khăn. Trong khi đó, năm ngoái có đến hàng trăm dự án chưa thể triển khai, như vậy thì số lượng công ty phân phối dừng hoạt động, giải thể là rất lớn” - vị lãnh đạo này nói.

Thêm nữa, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp diễn thì 20% còn lại cũng lâm vào cảnh… lay lắt. Trên thực tế nhiều sàn đang phải hoạt động rất cầm chừng, nhân viên của sàn nhiều người đã chuyển nghề hoặc làm thêm như bán hàng online, mỹ phẩm, đồng hồ hoặc kiếm việc văn phòng…

Theo khảo sát của chuyên trang batdongsan.com.vn, sau tết một số khu vực nóng về nhà, đất như quận 7, quận 9 nhiều sàn môi giới vẫn trong tình trạng đóng cửa, chưa khai trương làm việc trở lại. Một số sàn đã mở cửa thì lượng nhân viên trực chỉ lác đác vài người và không có nhiều khách ghé qua.

Khách hàng đang tìm hiểu thông tin tại một sàn giao dịch bất động sản. Ảnh: HTD

Nhiều hệ lụy khi ăn theo “ông lớn” BĐS

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho biết: “Có thể thấy đôi khi một công ty môi giới có doanh số 100 tỉ đồng nhưng chỉ là bán được 100 căn hộ. Doanh thu đó đối với một công ty môi giới là không cao. Trong năm qua, hàng loạt công ty trăm tỉ vẫn rụng như sung”.

Theo ông Việt, ngoài các tác động khách quan thì việc ăn theo ông lớn BĐS như Vingroup, Sunshine… cũng là một bài học cho các đơn vị môi giới. Khi các chủ đầu tư này chuyển mình bằng cách không bán qua đại lý, môi giới mà tự phát triển kênh bán hàng riêng hoặc bán qua app thì môi giới… thất nghiệp.

Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ KH&ĐT), năm 2019, lĩnh vực BĐS có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018. 

“Các chủ đầu tư khác không có nhiều đại lý như Vin nên khi Vin tuyên bố tự bán chứ không thông qua đại lý như trước thì nhóm đại lý bán sản phẩm cho Vin tan rã là tất yếu. Còn các đơn vị khác như Novaland, Khang Điền hay Phú Mỹ Hưng… thì số đại lý khá giới hạn” - ông Việt phân tích.

Ông Phạm Lâm, CEO Công ty DKRA Việt Nam, cho rằng một điều dễ nhận thấy là việc phát triển kênh bán hàng riêng hay bán hàng qua app sẽ tác động lớn đến các công ty dịch vụ môi giới. Đây cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng người làm nghề môi giới BĐS tại Việt Nam.

Theo đó, dù trực tiếp đưa các chương trình bán hàng qua app hay các kênh online thì vẫn cần một đội ngũ nhân viên để tư vấn cho khách hàng… “Thị phần môi giới vẫn còn cơ hội lớn. Đây được xem là quá trình sàng lọc, cơ hội chỉ dành cho những ai theo đuổi sự nghiệp môi giới một cách chuyên nghiệp và bền vững” - ông Lâm nhận định.

Từ đầu năm 2019, DKRA Việt Nam đã có dự báo về xu hướng này và chuẩn bị nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng nguồn lực bằng các chương trình đào tạo cũng như huấn luyện nội bộ, đồng thời định hướng tư tưởng và nâng cao khả năng thích nghi của nhân viên trên toàn hệ thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm