Bộ trưởng Bộ GTVT: Vận tải thủy phải hưởng ưu đãi đặc biệt về thuế, phí

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải thủy và vận tải ven biển diễn ra ngày 14-10, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết tuyến vận tải thủy hiện nay có các điểm nghẽn như ít luồng đảm bảo cho phương tiện trên 2.000 tấn hoặc phương tiện thủy chở hàng container. Một số cầu có chiều cao hạn chế khiến tàu thuyền khó qua lại như các cầu Bình Triệu cũ, Đồng Nai, Sa Đéc (Nàng Hai)…

Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: V.LONG

Cần nâng chiều cao của các cầu

Vì vậy, ông Thu kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng chiều cao của một số cây cầu, nhằm giúp các doanh nghiệp đầu tư cảng, bến và phương tiện hiện đại, có kích thước lớn để thúc đẩy xu hướng vận chuyển hàng container bằng phương tiện thủy nội địa từ cảng biển cửa ngõ vào sâu trong nội địa. Đặc biệt là thi công dứt điểm các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ và âu tàu.

Cạnh đó, ông Thu cho rằng Nhà nước cũng cần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn, tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn công nghệ bốc xếp hiện đại, tiến tới hình thành các trung tâm logistics đường thủy nội địa.

Về cơ chế chính sách cho vận tải thủy, ông Đinh Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Vận tải thủy Tân Cảng, cho rằng đầu tư vào vận tải thủy cần nguồn vốn lớn nên Nhà nước nên xem xét giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) từ 10% xuống 5%; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cảng thủy nội địa và kinh doanh vận tải container bằng đường thủy…

Đặc biệt, Nhà nước cần cơ chế chính sách riêng cho hàng theo tuyến ven biển. Chẳng hạn như phí bốc xếp tại cảng, phí cầu bến, phí luồng lạch - trọng tải - hoa tiêu. “Ngoài ra, cần thiết kế và phê duyệt loại tàu SB (pha sông - biển) đa mục đích, trong đó có vận chuyển container, làm tiền đề cho các chủ tàu xem xét đầu tư loại hình vận tải này…” - ông Khanh cho hay.

Bàn về tàu SB, ông Đỗ Văn Ty, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cho rằng bất cập nhất hiện nay là tàu SB chỉ được hoạt động cách bờ 12 hải lý và chỉ được chạy khi gió biển dưới cấp 5, sóng dưới 2,5 m. Theo ông Ty, đây là quy định chưa phù hợp và rất khó thực hiện.

“Với vùng biển nước ta, nếu quy định sức gió dưới cấp 5 được chạy thì một năm được vài tháng tàu hoạt động, còn lại phải nằm bờ dẫn đến hiệu quả không cao. Cạnh đó, mỗi lần xuất bến đều phải xin cảng vụ về điều kiện di chuyển như sức gió, tạo ra cơ chế xin-cho… Vì vậy, cần điều chỉnh các quy định này cho phù hợp…” - ông Ty nói.

Cần kết hợp phát triển cảng thủy nội địa và hàng hải

Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định vận tải ven bờ phải thống nhất là 12 hải lý, không vượt ra khỏi phạm vi này. Còn việc quy định về gió biển và mớn nước, ông Thể cho rằng cần phải nghiên cứu lại, bởi vùng biển Việt Nam thường có sóng to, gió lớn.

“Các đơn vị cần xem xét thiết kế lại mũi tàu hay quy định lại mớn nước cho phù hợp. Tàu mà đậu mãi trong bờ làm sao có hiệu quả. Cái này tôi giao Cục Đăng kiểm và Cục Hàng hải tiếp thu, đề xuất gỡ khó ngay…” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Để phát triển đường thủy, người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng yêu cầu ngành hàng hải và đường thủy nội địa phải liên kết, phát triển đồng bộ. Ông Thể dẫn ví dụ ở Tân Cảng Cát Lái có cảng thủy nội địa nằm trong khu vực cảng biển, việc này giúp hàng hóa được vận chuyển từ sâu trong nội địa tập kết ra và nhanh chóng chuyển qua cảng biển để lên tàu ra nước ngoài. Theo ông, mô hình này ở phía Nam rất hiệu quả.

“Nên tới đây cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và các cảng biển lớn trên cả nước chúng ta phải bổ sung thêm cảng nội địa để đồng bộ giữa đường thủy và hàng hải. Phải làm như vậy mới có thể tập kết hết hàng container từ các tỉnh về cảng biển và từ cảng vào sâu nội địa một cách nhanh chóng và thuận lợi” - ông Thể nói.

Đối với các cảng thủy nội địa, bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nâng cấp, xây mới và bố trí các thiết bị cần thiết như cần cẩu để có thể vận chuyển hàng container lên thuyền và từ thuyền ra cảng biển. Cạnh đó, nghiên cứu phát triển các đội tàu, hình thành công ty, tổng công ty lớn về vận tải biển.

“Ngoài ra, chúng ta cần đề xuất các cơ chế, chính sách như ưu tiên cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng để mua sắm trang thiết bị; giảm thuế, phí đối với việc vận chuyển hàng bằng đường thủy để thu hút khách hàng… Chúng ta phải làm sao để vận tải đường thủy nội địa ven biển phải được ưu đãi đặc biệt về thuế, phí. Từ đó thu hút được lượng hàng hóa qua cảng, giảm áp lực cho đường bộ, đường sắt…” - Bộ trưởng yêu cầu.•

 

Vận tải đường thủy có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp

Cục Đường thủy nội địa cho biết Việt Nam có 2.360 sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 42.000 km với chín hệ thống sông lớn đổ ra biển thông qua 120 cửa sông, tổng chiều dài đường thủy cả nước đang được quản lý khai thác là hơn 17.000 km. Tính đến tháng 9-2021, toàn quốc có 298 cảng, trong đó có 192 cảng hàng hóa và 97 cảng hành khách.

Vận tải đường thủy có ưu điểm về giá cước vận chuyển thấp, có độ an toàn cao và ít ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Hiện vận tải thủy chiếm khoảng 19% tổng lượng hàng hóa trong nước, có nghĩa cứ 5 tấn hàng lưu thông thì có 1 tấn hàng được vận chuyển bằng đường thủy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm