Cao ốc Hà Nội vẫn ngập trong biển nước

Chiều 26-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, thừa nhận: “Trận mưa đêm 24 và rạng sáng 25-5 quá lớn và bất thường, vượt quá năng lực của hệ thống thoát nước Hà Nội”.

Cơ quan quản lý “bó tay”

Theo ông Sương, hệ thống thoát nước Hà Nội hiện chia làm hai khu vực lớn gồm: Khu vực 1 (giới hạn từ sông Tô Lịch đến sông Hồng) hiện đã được đầu tư hệ thống thoát nước giai đoạn 1 (đã hoàn thành). Giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Hệ thống thoát nước này phụ trách tiêu úng cho bốn quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và một phần quận Hoàng Mai. Thực tế cho thấy trận mưa lớn vừa qua đã không ảnh hưởng nhiều đến khu vực này, nhiều điểm úng ngập tại đây đến 8-9 giờ sáng thì nước đã rút hết.

Tuy nhiên, khu vực 2 (giới hạn từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ - khu vực phía tây, tây nam nội thành) thì hệ thống thoát nước chưa được đầu tư. Quy hoạch thoát nước Hà Nội do Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013 hiện mới bắt đầu được triển khai tại khu vực này.

Bên cạnh đó, các khu đô thị mới tại đây hay một số tuyến đường như Vành đai 3, mặc dù cũng được đầu tư theo quy hoạch nhưng tổng thể quy hoạch chưa được kết nối với nhau, do vậy vẫn xảy ra hiện tượng bị ngập cục bộ.

“Việc thoát nước ở khu vực này phải trông chờ cấp trên phê duyệt, đầu tư dự án mới thôi. Chứ nếu không xảy ra mưa lớn như vừa qua thì vượt khả năng xử lý của chúng tôi” - ông Sương nói.

Ngày 26-5, nước vẫn lênh láng tại đường Trần Phú, khu đô thị Dương Nội. Ảnh: TP

Cao ốc bao vây… nước

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội (đơn vị chủ đầu tư dự án thoát nước giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng), cũng đã lý giải về việc tại sao khu vực phía tây, tây nam Hà Nội nơi vốn có địa hình cao lại bị ngập cục bộ.

Theo ông Phạm Văn Cường: “Do khu vực này mọc lên quá nhiều cao ốc trong thời gian ngắn, đồng ruộng bị bê tông hóa, nước không có chỗ thoát, trong khi hệ thống kênh mương thoát nước chưa được đầu tư”.

Ông Cường cho hay hiện dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 mới chỉ bao phủ khu vực bốn quận nội thành cũ và một phần quận Hoàng Mai, còn các quận còn lại (gồm Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, một phần quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) thì chưa được đầu tư bài bản. Hệ thống thoát nước ở đây mới đang ở tình trạng “bán đô thị”, tức là các khu đô thị mới, các tuyến đường mới đều có hệ thống thoát nước nội bộ nhưng hệ thống kênh, mương dẫn nước kết nối đồng bộ để dẫn nước ra sông Nhuệ thì chưa hề được đầu tư, chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống mương thủy lợi cũ. Và hệ thống bơm mới chỉ được đầu tư hai trạm bơm Đồng Bông 1 và 2.

“Hệ thống mương này nhiều năm nay chưa được nạo vét, cộng thêm khu vực này đất ruộng vẫn xen kẹt với cao ốc, mặc dù địa hình cao nhưng nước từ các khu đô thị, đường sá đổ ra không có lối thoát, dẫn đến ngập” - ông Cường kết luận.

Cũng theo ông Cường, trận mưa lớn vừa qua đã đặt ra cho Hà Nội bài toán phải xem xét đầu tư ngay hệ thống thoát nước tại khu vực tây, tây nam để tránh tình trạng gặp mưa lớn mà nơi có nhiều khu đô thị mới, phố mới hiện đại của thủ đô lại bị ngập nặng.

Đến ngày 26-5 vẫn chưa hết ngập

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội ngày 26-5, trận mưa kéo dài từ đêm 24 và rạng sáng 25-5 với lượng mưa lên tới 200-277,8 mm (cao nhất tại Cầu Giấy là 277,8 mm) đã khiến Hà Nội ngập nặng. Cụ thể, trận mưa đã khiến Hà Nội ngập úng tại 35 điểm, phần lớn số điểm ngập trong bốn quận nội thành cũ đã rút hết nước sau 8-9 giờ sáng.

Tuy nhiên khu vực phía tây, tây nam Hà Nội (gồm các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) cho đến chiều 26-5 vẫn còn một số điểm ngập, nước ứ không có chỗ thoát.

Cụ thể, tòa cao ốc HH2 (thuộc khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) vẫn bị cô lập trong biển nước. Nhiều điểm quanh khu nhà này ngập sâu tới 0,5 m, người dân phải di chuyển bằng xe tải, xe ba gác do ban quản lý tòa nhà bố trí. Một số dịch vụ vận chuyển tự phát đã mọc lên với mức phí 30.000 đồng/lượt người và phương tiện khi di chuyển qua chỗ ngập.

Tại khu vực đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) nước vẫn chưa thoát hết, không ít người cố gắng vượt xe qua đoạn ngập nhưng bị chết máy, xe buýt đi té nước vào người đi đường. Đường Lê Văn Lương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Không ít người cho biết việc ngập nước đã khiến cuộc sống đảo lộn, nhiều vật dụng gia đình bị ướt sũng...

_______________________________________

Có thể hứng thêm bảy đợt mưa lớn

Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải cho biết trong thời gian tới, Hà Nội có thể hứng bảy đợt mưa lớn nữa nên cần sớm có những biện pháp khắc phục ngập.

Ngập ở khu đô thị mới là quá buồn

Việc ngập xảy ra tại nhiều khu đô thị mới là một điều đáng buồn. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư, quản lý đô thị mới không tuân thủ về nguyên tắc chuẩn cốt nền chung. Tình trạng cấp cốt nền cho từng khu đô thị dẫn đến việc mỗi khu đô thị áp dụng một kiểu cốt, nền nơi cao nơi thấp. Trong khi các khu đô thị xây sau lại cao hơn khu đô thị trước vì thế dẫn đến việc gây ra úng ngập tại Hà Nội.

Ông PHẠM SỸ LIÊM,
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Sẽ ngập tiếp vì cống nhỏ, khó thông

Thời gian qua, Hà Nội không có mưa lớn nên rác chất đầy trong các ống cống. Mặt khác, ống cống nhỏ và chỉ có thể nạo vét được ở các điểm lộ thiên nên không thể thoát nước nhanh được. Điều chúng ta thấy rất rõ là các dòng sông nước trong ngày 24 và 25-5 không dâng lên cao vì nước ở các khu vực ngập thoát ra chậm.

Theo tôi, khi xây dựng các khu đô thị mới phải có quy hoạch tổng thể và phải xem việc thoát nước quan trọng như hoặc hơn các công trình khác. Diện tích các đường ống thoát nước phải lớn (tại các nước tiên tiến đường ống cống của họ rất rộng, mạng lưới dày đặc), có trạm bơm và đường trung chuyển thoát nước. Phải có công nghệ nạo vét hiện đại, các thiết bị bơm đẩy rác ở dưới các ống cống thì mới mong hết ngập, còn không thì Hà Nội vẫn sẽ ngập.

GS-TS VŨ TRỌNG HỒNG, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT,
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm