Chỉnh trang "Thăng Long": Nhiều hình thức, thiếu thiết thực

Đến giờ Hà Nội vẫn còn bao việc dang dở là hệ quả của chuyện “nước đến chân mới nhảy”.

Chỉ còn sáu tháng nữa là tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội nhưng đến nay Hà Nội vẫn còn ngổn ngang với bao công việc dở dang. Nhiều công trình chỉnh trang đô thị đang được thực hiện một cách dồn dập, chạy nước rút...

Làm để tiêu tiền

Chỉnh trang đô thị là việc làm thường xuyên nhưng tôi ngại nhất chuyện ở ta mỗi khi có dịp lễ lạt nào đó là phải nghĩ ra việc để làm, để tiêu tiền. Khi ngày đại lễ đến gần thì người ta dồn dập làm, dồn dập đổ tiền ra để tiêu hết tiền đi, tạo ra sự hỗn loạn và đặc biệt là cực kỳ lãng phí. Những cái đó đi ngược với tinh thần 1.000 năm Thăng Long.

Thêm nữa, chúng ta không phân tích được chuyện phát triển bình thường tất yếu của đô thị. Làm một con đường, xây một cái cầu là việc bình thường, có đại lễ 1.000 năm hay không thì vẫn cứ phải làm. Vì thế, đừng gán vào các công trình đó những ý nghĩa khác, nếu không đó chỉ là thứ chủ nghĩa hình thức và bệnh thành tích. Chúng ta đã phải chịu đựng nhiều gian khổ, mất mát để giữ được nền tự chủ quốc gia. Chúng ta từng phải chắt chiu, thắt lưng buộc bụng để vượt qua những lúc khó khăn về kinh tế. Vì thế, những việc làm chỉ mang nặng tính hình thức không phải là ý nghĩa của 1.000 năm Thăng Long.

Chỉnh trang "Thăng Long": Nhiều hình thức, thiếu thiết thực ảnh 1

Sau khi được mặc áo mới, liệu phố cổ có còn cổ? Ảnh: HOÀNG VÂN

Giai đoạn trước đây, đường phố được xây rất bền vững, có sức sống với thời gian chứ không có cảnh lâu lâu lại bị bóc lên làm lại như hiện giờ. Tôi vừa đi một số nước châu Âu và thấy rằng đô thị của họ vẫn giữ được nét cổ xưa. Hòn đá lát vỉa hè truyền thống của họ vẫn còn lại đến ngày nay và vẫn chịu được áp lực của đời sống hiện đại. Nhìn lại, cho dù Hà Nội đang phải chịu nhiều áp lực hơn về dân số, giao thông… nhưng việc cứ phải bóc vỉa hè lên rồi làm lại như hiện nay vừa phá nát cái cũ, vừa gây tốn kém ghê gớm. Trong khi đó, chúng ta thấy rằng trong lòng Hà Nội hiện đại còn một khu phố cổ cần bảo tồn, cần đầu tư vào đó trí tuệ và tiền bạc nhiều hơn.

Cần những điều thiết thực hơn

Tháp nước cổ Hàng Đậu là công trình kiến trúc hơn 100 tuổi, có chiều cao hơn 25 m, đường kính 19 m, được xây bằng gạch và đá hộc. Tháp nước nằm tại điểm giao cắt của sáu tuyến phố cổ. Năm 1894, tháp nước này được xây dựng để cung cấp nước cho khu thành cổ và các phố phường lân cận.

Nhìn vào những việc Hà Nội đang làm thì thấy rằng có một số vấn đề cần phải xem lại. Đơn cử, bốt Hàng Đậu (tháp nước Hàng Đậu) đã có tuổi thọ hơn một thế kỷ, được xây dựng bằng đá và xi măng là những vật liệu rất bền vững. Do vậy, hợp lý nhất là giữ gìn sự nguyên vẹn cho bốt Hàng Đậu, chỗ nào hỏng thì sửa lại chứ không có lý do gì phải sơn lại. Riêng ở phố cổ, khi quét vôi, sơn lại cũng phải cân nhắc nên thực hiện như thế nào để không làm mất đi giá trị cần bảo tồn.

Việc chỉnh trang đô thị hướng đến 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã có sự chỉ đạo trước từ cả chục năm nhưng tiếc rằng gần đến ngày đại lễ người ta mới gấp rút làm. Việc đến giờ Hà Nội vẫn còn bao việc dang dở là hệ quả của chuyện “nước đến chân mới nhảy” của những người có trách nhiệm.

Chỉnh trang "Thăng Long": Nhiều hình thức, thiếu thiết thực ảnh 2

Bốt Hàng Đậu đang được “làm mới”. Ảnh: HOÀNG VÂN

Tôi khẳng định chỉnh trang đô thị là cần thiết nhưng nhân dịp 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng ta không nên làm trên một diện tích rộng như hiện nay mà chỉ nên làm trong phạm vi hẹp, làm một lần nhưng dùng mãi mãi. Ví dụ, chỉ chỉnh trang quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm hay có thể làm một số điểm mẫu như xây một vỉa hè sử dụng được lâu bền, không bao giờ phải lật lên nữa. Hay tuyên truyền, vận động làm sao để từ 1.000 năm Thăng Long này sẽ không có việc người dân khạc nhổ bừa bãi ngoài phố… Những việc nhỏ nhưng thiết thực, có giá trị như vậy tôi cho rằng có ý nghĩa hơn rất nhiều so với một số việc làm hiện nay.

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC

HOÀNG VÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm