“Sau khi được báo Pháp Luật TP.HCM phản ảnh, chúng tôi đã mời huyện U Minh đến xem xét và thống nhất cho dỡ bỏ con đập 86 để dân lưu thông dễ dàng hơn. Thật ra, đập 86 được đắp lại là do phải giữ nước phía trong rừng nhằm phục vụ phòng cháy chữa cháy. Nay qua khảo sát thấy mực nước bên trong và bên ngoài con đập ngang nhau nên việc giữ lại đập không cần thiết nữa. Chúng tôi đã cho phá dỡ cái đập này để dân sinh hoạt dễ dàng hơn” - ông Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho biết thêm là trong trường hợp nước bên ngoài thấp hơn bên trong thì sẽ đắp lại con đập này.
Con đập đang được Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ cho dỡ bỏ. Ảnh: Trần Vũ.
Cũng trong buổi sáng, sau khi biết được ông Hiếu đã cho dỡ bỏ cái đập nói trên, nhiều người dân đã gọi điện thoại cảm ơn đến báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh kịp thời về con đập vô lý, giúp dân thuận tiện vận chuyển cây rừng đang khai thác ra ngoài tiêu thụ.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, trong hơn tháng qua, nhiều tiểu thương đang mua cây rừng của dân ở khu vực U Minh Hạ bị thiệt hại nặng nề vì phải lôi cây qua con đập. Theo đó, khu rừng U Minh Hạ đã có đê bao kiên cố xung quanh nhưng lấy lý do giữ nước cục bộ cho từng khu vực khác nhau nên Công ty TNHH MTV U Minh Hạ cho đắp trong rừng, gây cảng trở lớn đến việc vận chuyển nông, lâm sản ra ngoài rừng để tiêu thụ.
Nhiều tiểu thương cho biết việc đi lại khó khăn nên họ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do phải thuê người vác cây qua đập. Nếu đập không được mở ra thì ước tính các tiểu thương sẽ thiệt hại không dưới 4 tỉ đồng kể từ nay đến mùa mưa năm sau.
Sau nhiều lần phản ánh đến công ty và chính quyền sở tại không thành, các tiểu thương cùng làm đơn kiến nghị mở đập, đồng thời “méc” cơ quan chức năng. Các tiểu thương cũng cho hay năm 2014, con đập cũng được đắp như hiện nay, khi tiểu thương hùn tiền đưa ra (trên một trăm triệu đồng) thì cái đập lập tức được dỡ bỏ.
Ông Trần Văn Hiếu cho biết sẽ kiểm tra cả thông tin làm tiền như đơn kiến nghị. “Nếu có cơ sở, tôi nhất quyết chuyển cơ quan điều tra” - ông Hiếu quả quyết.