Chuyện đời ở xóm ve chai

Xóm nước đen 7 giờ sáng. Mọi người lục tục dậy sửa soạn gánh ve chai, thành quả của mấy ngày đi nhặt vất vả, gánh đến vựa cân bán. Lác đác có người vừa trở về sau một đêm dài thức trắng đạp xe rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn để nhặt nhạnh bất cứ thứ gì có thể bán được.

Mỗi gánh ve chai một mảnh đời

Chuyện đời ở xóm ve chai ảnh 1

Hai mẹ con bà Trần Thị Định ở xóm nước đen (Gò Vấp) đang giặt bao nylon. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Gọi là xóm nước đen bởi nơi này nằm bên sông An Lộc, với dòng nước đen ngòm chạy dài non nửa cây số qua phường 15, quận Gò Vấp (TP.HCM). Dọc hai bờ rào của xóm chất đầy bọc nylon trắng xóa. Đối diện với khu ổ chuột tồi tàn của “cư dân ve chai” là những tòa nhà cao vút mọc lên ngày một nhiều.

Một rổ bắp non được bưng ra. Mấy chị em xúm xít vừa ăn vừa nói chuyện. Những giây phút thư thả hiếm hoi trôi nhanh trong tiếng hỏi han: “Có được gì không?”, “Mấy ký?”, “Về muộn thế?”, “Lát giặt bao rồi phơi nhanh đi nghen”... Nói là hiếm hoi bởi giờ giấc lao động của các chị lệch nhau, chẳng mấy khi được quây quần đông đủ. Người mới tảng sáng đã dắt chiếc xe đạp cọc cạch ra đi, người đến quá trưa mới tất tả đội nón, đeo găng xuất phát (vì buổi sáng phải ngồi phân đồ đem cân, bán). Nhiều người mãi tới 12 giờ đêm mới bắt đầu “hành trình ve chai”.

“Hồi đó, xung quanh đây chỉ có ao tù, nước đọng hoang vu. Rồi người ta bắt đầu dựng mấy cái nhà lợp tôn, chòi tranh ở tạm làm ăn. Ban đầu có mấy người đi nhặt ve chai thôi. Sau thấy được, họ kéo thêm họ hàng, con cháu đến ở quây lại thành xóm này” - chị Hồng, một trong những cư dân đầu tiên tới đây lập nghiệp, kể. Bây giờ, đã 13 năm trôi qua mà chốn đi về của chị chỉ là căn nhà nhỏ 12 m2 tạm bợ, rách nát. Chồng chết, chị ở với hai đứa con trai cùng người cha già 85 tuổi. Mới 40 nhưng trông chị Hồng già như sáu chục. Người gầy đét, khuôn mặt hằn rõ vẻ lam lũ.

“Đi ban đêm đúng là có nguy hiểm thật, thỉnh thoảng bị côn đồ chặn đường xin đểu nhưng được cái không kẹt xe, tắc đường, ít bụi bặm. Đi miết rồi cũng quen thôi. Không cực thì làm sao có cái ăn” - chị Trần Thị Định, 53 tuổi, người hay đi làm “ca” đêm, nói. Sáng nay, chị vừa về đã vội mang đống đồng nát cao nhồng gom được trên xe xuống phân loại, mặc cho mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo. Một chị ngồi bên nói với, bà ấy đi cả đêm mới về, thế mà vẫn đủ sức mang đồ ra giũ, phơi. Hỏi làm quần quật thế thì ngủ vào lúc nào, chị chỉ cười, một nụ cười thật hiền mà cũng thật buồn.

Trong căn nhà lụp xụp chị Định ở còn có người em gái - chị Trần Thị Nhị (40 tuổi) và năm người khác. Họ đều từ huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) vào từ năm 1999. Gánh ve chai của chị Định và chị Nhị suốt mười mấy năm qua đã trở thành cần câu cơm cho cả mấy miệng ăn trong gia đình. Cách đây ba năm, chồng chị Nhị mất vì bị ung thư giai đoạn cuối. Hai đứa con gái lớn sinh đôi đang học lớp 11 cũng chịu cảnh chia lìa đôi ngả: Cô em ở ngoài Bắc với bà ngoại, cô chị vào đây vừa học vừa giúp mẹ thu lượm ve chai. Riêng cậu em út ba tuổi được gửi học ở một cô giữ trẻ tư, học phí 700.000 đồng/tháng. Chị Nhị bảo sắp tới cho cháu về quê học lớp 1 vì không kham nổi tiền học đắt đỏ ở TP.

Chuyện đời ở xóm ve chai ảnh 2

Rong ruổi, nhặt nhạnh mọi thứ có thể bán được. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Ngày nào chị cũng miệt mài trên chiếc xe cà khổ bốn sọt đựng ve chai, đạp đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Gặp thùng rác nào chị cũng ghé lại lật tìm chai lọ, cốc, giấy, bao nylon đem về. Tôi thử theo chị mấy chục kilomet vòng vèo từ quận Gò Vấp, sang sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình... Trời nắng chang chang, dọc đường chị lo tôi say nắng nên cứ giục lấy chai nước đá đã chuẩn bị sẵn mang ra uống. Tình cờ tôi nghe được cuộc điện thoại của chị với chủ vựa ve chai, vì bị ép giá nên chị gọi để nói chuyện sòng phẳng. Một người ngồi bên cạnh nghe thấy bèn mách sao chị không nói hoàn cảnh khó khăn, gia đình ly tán... v.v… để người ta chiếu cố. Chị Nhị lắc đầu: “Không bao giờ! Tôi chẳng đời nào chấp nhận lòng thương hại của người khác”. Nụ cười chất phác, vui vẻ của bà mẹ quê Bắc làm lạc quan người bên cạnh.

“Thôi, chẳng đi đâu. Tiền đâu mà đi...”. Vừa nói chị Nhị vừa lấy cái nón mành đội lên cho đỡ nắng rồi chuẩn bị đi giặt bao. Một người quen vừa gửi thiệp mời đi đám cưới cho chị.

Xóm Dừa nghèo rớt mồng tơi

Buổi chiều muộn ở xóm Dừa, ấp 5, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Khu xóm xơ xác, chỉ nghe vọng từ xa tiếng đẩy bánh xe cút kít nặng nhọc trở về sau một ngày dài lang thang mệt nhọc.

Ở xóm này, chẳng mấy ai biết tên của vợ chồng chị Huỳnh Thị Rớt và anh Nguyễn Văn Hải. Họ chỉ biết hai người ngày nào cũng đẩy xe đi lượm ve chai từ sáng sớm tới chiều chập choạng mới về. Ngay cả khi tôi hỏi tuổi của chị thì chính chị cũng mơ mơ màng màng. Vóc người nhỏ thó, đôi bàn tay chai sần sạm đi vì thường xuyên tiếp xúc với rác. Vợ chồng chị, ông anh ruột và cậu con trai (vừa mới ra tù vì tội trộm cắp) vốn sống lang bạt rày đây mai đó. Một tháng nay, cả nhà chị trôi dạt về xóm Dừa, trong cái “chòi” trọ bé như hộp diêm, ngổn ngang những nồi, thau chậu... và mấy con mèo, chó kêu gào inh ỏi.

Chị Rớt kể trước đây chị từng có nhà ở phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM). Nhưng rồi từ khi bố mẹ mất, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất buộc chị phải bán nhà để có tiền trang trải cuộc sống. Sau đó, chị mua một căn nhà nhỏ ở quận 8 nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn phải chuyển đi vì “tụi xì ke, nghiện ngập lảng vảng nhiều quá không sống nổi”. Di chuyển nơi ở liên tục khiến việc làm hộ khẩu mới của chị gặp khá nhiều rắc rối.

Chuyện đời ở xóm ve chai ảnh 3

Mang ve chai đến vựa để bán. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

“Đi đến đâu tôi cũng trình bày rõ lý do vì hoàn cảnh khó khăn phải bán nhà chuyển đi, giấy tờ tôi vẫn còn giữ đầy đủ đây. Vậy mà đi năm lần bảy lượt chẳng ai chịu làm giấy chứng minh nhân dân cho con trai tôi. Hỏi người ta không thèm trả lời chứ đừng nói là hướng dẫn. Mà tôi làm gì có tiền để chạy chọt, mời mọc nước trà người ta...”.

Và rồi đứa con trai chị Rớt, vốn một lần lỡ dại nên bị đeo mang cái tiền án, cộng thêm chuyện không có giấy chứng minh nhân dân, giữa đêm hôm khuya khoắt đi nhặt ve chai nhỡ may có bị công an thu gom chẳng biết làm sao để chứng minh thân phận của mình. Hai người con gái lớn của chị Rớt đều đã mất. Bản thân chị bôn ba làm đủ nghề, từ rửa bát, bán hoa quả, xôi bắp... cuối cùng trụ lại về cái nghề nhặt ve chai đắp đổi cơm cháo qua ngày. Có khi chị đi suốt chặng đường mấy chục cây số, từ sáng sớm đến đêm khuya mới về, buồn ngủ thì nằm luôn trên xe đẩy.

Không khá hơn chị Rớt là bao, chị Ngọc Hiếu - người em kết nghĩa của chị Rớt và cũng là mẹ nuôi của Phấn (cậu con trai không có giấy chứng minh nhân dân) - có một tuổi thơ vô cùng tức tưởi. Chín tuổi, một tai nạn không may khiến chị bị yếu cột sống, phải đi lượm ve chai mưu sinh. 22 tuổi, chị giúp việc cho một gia đình ở Bình Dương. Ở, phục vụ người ta 12 năm trời chị chỉ nhận được 4 triệu đồng tiền công. “Mà người ta đâu có chịu trả, sau thấy tôi làm dữ quá bà chủ mới chịu đưa” - chị Hiếu kể.

Bây giờ, cả gia đình chị Hiếu, chị Rớt đều ở trong khu trọ tồi tàn của xóm Dừa, giá 800.000 đồng/tháng. “Cô xem, ngay cả cầu tiêu cũng không có mà đi…”. Chiếc xe ve chai cũ kỹ chị Rớt nhờ người ta đóng giùm để đẩy chứ không đạp nổi vì sức yếu, cũng tốn mất 600.000 đồng. Sau hai, ba ngày nhặt nhạnh, những gì xài được chị đem bán ở vựa ve chai, còn bao nylon ướt thì mang về giặt, phơi rồi bán lại với giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg.

Hỏi chị Rớt có bao giờ nghe nói đến những người buôn đồng nát xây được nhà tiền tỉ hoặc mau chóng phất lên giàu có không, chị nói: “Họ là số hiếm thôi cô. Hoặc gặp may, hoặc có vốn lớn nên đi thu mua về bán với giá cao cho các nhà máy, công xưởng tái chế. Chứ những người đi lượm như chúng tôi thì chẳng biết bao giờ mới khá nổi...”.

HÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.