Dạy trẻ đừng vô cảm

Ngồi sau xe máy mẹ chở đi học, H.Nam (14 tuổi) thấy một tai nạn giao thông trên đường. Thấy một cô bé trạc tuổi mình đang ngồi thất thần bên vệ đường với nhiều vết trầy xước trên mặt và chân tay, H.Nam buông một câu: “Ngu thì chết thôi!”. Hiện tại, không hiếm gặp những bạn trẻ như H.Nam trong cuộc sống.

Vô tâm với đồng loại

Gần đây, trên mạng xuất hiện các clip nhiều học sinh cùng đánh bạn. Trong các clip đó, những học sinh chứng kiến không hề can ngăn, thậm chí còn cổ vũ cho trận đánh hội đồng, mặc kệ nạn nhân khóc lóc, đau đớn. Khi hỏi H.Anh (nam sinh trường THCS Võ Văn Tần): “Nếu thấy một nhóm bạn đánh hội đồng một bạn cùng lớp, em sẽ làm gì?”, H.Anh trả lời: “Chuyện ân oán của tụi nó để tụi nó xử; mình dính vô làm chi”. “Nhưng mấy bạn kia đông quá, người bị đánh có thể bị thương nặng, thậm chí chết…”. H.Anh cắt ngang: “Em không rảnh nhúng mũi vô chuyện người khác”. Một số học sinh khác cũng trả lời tương tự H.Anh, một số bày tỏ muốn can ngăn, bênh vực nạn nhân nhưng sợ bị trả thù nên… thôi.

Lãnh đạm đến đáng sợ là trường hợp của T.Hải (quận 1, TP.HCM). Nhà T.Hải có cửa hàng ở mặt tiền đường Hai Bà Trưng. Có đêm khi cửa hàng đã đóng cửa, đi chơi về, nhìn thấy một ông cụ lang thang nằm co quắp ở bậc thềm; em liền sấn sổ bước tới đuổi ông lão quầy quậy: “Ông nằm đây ám làm sao nhà tôi bán buôn gì được!”.

Dạy trẻ đừng vô cảm ảnh 1

Quay lưng với cả người thân

Một số bạn khác còn thờ ơ, không quan tâm đến chính người thân trong gia đình. Chị H.Thái (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tủi thân kể: “Mỗi khi về tới nhà, nội dung con gái tôi hỏi mẹ thường xuyên nhất chỉ là mẹ nấu cơm chưa, có làm mì Ý cho con không. Có hôm tôi sốt cao không làm gì được, con về chỉ dằn dỗi vì mẹ chưa nấu cơm và bỏ lên phòng, không đỡ đần mẹ chuyện cơm nước hay hỏi han mẹ ốm ra sao!”.

Đã là sinh viên đại học năm thứ hai, T.Trang (quận 6, TP.HCM) vẫn ngày ngày được mẹ đưa đón đến trường. Một lần, trên đường đến đón T.Trang, mẹ cô gặp tai nạn giao thông và bị thương nhẹ. Sợ con chờ lâu sốt ruột, mẹ T.Trang vội gọi điện thoại báo cho con biết và dặn con chịu khó chờ thêm một chút. Nghe mẹ nói vậy, không một lời hỏi han, T.Trang chỉ hét lên trong điện thoại: “Có việc đưa rước con mẹ cũng không làm xong!...”. (!).

Hoàn cảnh gia đình G.Hân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) không khá giả. Ba là công chức, mẹ buôn bán nhỏ nhưng cô bé luôn đòi hỏi ba mẹ chu cấp nhiều tiền để tiêu xài, ăn diện. Nếu không đòi được số tiền mình muốn, em liền “chiến tranh lạnh” không thèm nói chuyện với ba mẹ suốt mấy ngày liền. G.Hân không cần biết nhiều lúc mẹ mình phải đi vay tiền cho con gái “bằng bạn bằng bè”.

Một nhân viên của Trung tâm Tư vấn Tâm lý Hồn Việt chia sẻ câu chuyện của một thân chủ. Khi M.Hương được 15 tuổi, người mẹ sinh con thứ hai. Nghĩ rằng ba mẹ thương em gái hơn, M.Hương không bao giờ chơi với em. Cô còn cố tình trêu cho em khóc bằng cách giật đồ chơi của em thô bạo hoặc bậm môi, trợn mắt khi em bé mon men lại gần. Còn V.Hưng luôn làm theo lời mẹ: “Đừng bao giờ cho tiền người ăn xin”. Do đó, mỗi lần thấy một người ăn xin nào đến gần, V.Hưng liền ngoảnh mặt làm ngơ.

Gương xấu từ người lớn

Trong thời đại xã hội phức tạp, có nhiều người sống dựa vào lòng thương xót của người khác (dựng cảnh thương tâm để xin tiền; dùng các cụ già, em bé làm công cụ kiếm tiền…), việc xác định ai là người cần được giúp đỡ là quá sức đối với người lớn chứ không riêng lớp trẻ. Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Võ Văn Nam (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), phụ huynh nên dạy con theo phương châm giúp lầm còn hơn nghi ngờ oan. Tuy nhiên, TS Nam khuyến cáo phương pháp này cũng là con dao hai lưỡi nên phụ huynh cần giáo dục con có ý thức tự bảo vệ bản thân để không bị kẻ khác lợi dụng. Ví dụ nếu gặp một người lâm cảnh khốn khó thì có thể giúp đỡ họ một số tiền nhất định, không đưa quá nhiều tiền hoặc đi một mình với họ.

TS Nam nhấn mạnh muốn dạy con trẻ không vô cảm với mọi người xung quanh, người lớn cần nêu gương trong các tình huống cụ thể hằng ngày. “Trong gia đình, nếu người cha bình thản xem tivi, đọc sách báo, hút thuốc… trong khi người mẹ tất bật với việc nội trợ thì con trẻ không bao giờ học được sự chia sẻ. Hay khi chở con mà va quẹt với xe khác, cha mẹ liền cự cãi với người quẹt xe, sẵn sàng lao vào “tính sổ” nhau thì trẻ chắc chắn cũng không học được cách cảm thông với những người vô tình gây trở ngại cho mình” - TS Nam lấy ví dụ.

Ngoài việc người lớn phải làm gương cho trẻ, TS Nam cũng đưa ra một số cách giáo dục trẻ biết quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh: Chọn cho trẻ những quyển sách văn học hay, bổ ích; đưa trẻ cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện; gợi ý trẻ quan tâm đến người thân, bạn bè; đỡ đần cha mẹ việc nhà…

Một nhà văn nữ từng kể chị thường chia sẻ với con về những cảm xúc của mình khi bắt gặp những hoàn cảnh thương tâm. Trong những chuyến công tác tìm đến các mảnh đời neo đơn, khốn khó…, hễ có cơ hội là chị đưa con theo. Nhờ đó, con chị biết quan tâm đến mọi người xung quanh, đồng thời rất thương yêu mẹ và em. Có khiếu hội họa, con chị thường dành thời gian rảnh rỗi vẽ tranh rồi nhờ mẹ tổ chức bán đấu giá góp đá xây Trường Sa.

Dạy con biết quan tâm chia sẻ

Đó là chủ đề hội thảo diễn ra lúc 9 giờ ngày 6-11 tại Nhà sách Mẹ & Con (46 Lê Lợi, quận 1, TP.HCM).

Bạn không muốn con mình vô cảm như những người bỏ rơi cô bé hai tuổi người Trung Quốc bị xe cán trên đường phố nhưng bạn cũng không muốn rắc rối, hiểm nguy xảy ra với con mình. Phải làm thế nào? Tiến sĩ tâm lý giáo dục Võ Văn Nam (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM) sẽ cùng các bậc cha mẹ giải quyết vấn đề trên trong hội thảo.

TRÀ GIANG

Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

Bảng chu kỳ kiểm định các loại xe ô tô từ 22-3-2023

(PLO)- Theo Thông tư 02/2023 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 0g ngày 22-3, chu kỳ kiểm định xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe cá nhân, xe gia đình) có chu kỳ đầu tiên tăng từ 30 tháng lên 36 tháng như bảng dưới đây.