Bà Khánh cho hay sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng đến nay vẫn đang tiếp tục xử lý, vì thế cần phải nói không với những dự án tương tự, cụ thể là dự án thép Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận)…
. Phóng viên:Từ bài học Formosa, bà có quan điểm gì về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen đang gây tranh cãi trong dư luận gần đây?
+ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Là Ủy viên Thường trực của Ủy ban KHCN&MT tôi sẽ đề nghị ủy ban phản đối dự án này. Dứt khoát phải như thế bởi vì chúng ta đã có bài học ở dự án Formosa rồi. Tôi cũng sẽ đề nghị với Chính phủ và Bộ Công Thương phải kiên quyết nói không với dự án này. Theo tôi được biết, dự án này mới được phản ánh trên báo chí, phía Bộ Công Thương cũng đang có ý kiến. Tôi thấy khu vực này có bãi biển rất đẹp, giờ dự án này mà về thì mất hết cả một khu có tiềm năng mạnh về du lịch.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường. Ảnh: TP
. Đoàn công tác của Uỷ ban KHCN&MT đã trực tiếp vào Formosa làm việc sau khi sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra, theo bà các ngành chức năng cần phải làm gì để sự cố môi trường tương tự không tái diễn?
+ Đoàn công tác của Ủy ban KHCN&MT đã đến tận nơi đề làm việc. Hiện giờ thì yêu cầu họ phải chấp hành (pháp luật về môi trường) đã.
Mình đã nghiêm ngặt thì tất cả nguồn thải ra của họ mang đi đâu, đổ thải ở đâu thì phải theo dõi, giám sát. Tro bụi cũng vậy, giờ mình đang yêu cầu họ chuyển đổi từ công nghệ luyện cốc ướt sang luyện cốc khô…
. Giai đoạn vừa qua, cả nước có nhiều bài học về ô nhiễm môi trường do phong trào đua nhau làm nhà máy thép, nhà máy xi măng… Vậy bà thấy việc thay đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới cần tập trung vào lĩnh vực gì để đảm bảo môi trường sống cho người dân?
+ Hiện giờ đầu tư công của ta quá dàn trải, đến nỗi người ta còn ví nó là “chiến lược quả mít”, với rất nhiều mũi nhọn. Giờ mình chỉ tập trung cho một số mũi nhọn mà ta có thế mạnh để phù hợp với năng lực. Đất nước đã nghèo, đã ít tiền lại cứ đi vào phát triển bằng xi măng, thép… tự nhiên sẽ đi hút công nghệ cũ vào nước mình vừa tốn kém, lại phải đi xử lý môi trường.
Tôi thấy hiện Chính phủ đã thể hiện thái độ cương quyết nói không với dự án gây ô nhiễm môi trường. Và quyết tâm này cần được chuyển đến các địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu các địa phương.
Việt Nam có thế mạnh về du lịch vì thế nên hướng vào mũi nhọn này và mọi thứ xung quanh đều phải phục vụ nó như phát triển giao thông, nông nghiệp sạch, CNTT... Đừng đi vào các dự án gây ô nhiễm, nếu không sẽ đánh mất thế mạnh của mình.
. Vấn đề phát triển kinh tế theo hướng đảm bảo môi trường xanh sạch, đầu tư công nghệ sạch… sẽ cần nguồn lực rất lớn, vậy lấy tiền đâu ra để làm, trong khi chúng ta đang rất đau đầu với vấn đề nợ công, bội chi?
+ Nguồn lực tôi thấy không khó khăn. Tôi biết có nhiều người VN mình ở nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào đây để cho mình sử dụng cái năng lượng sạch, công nghệ để xử lý tái chế.
Điều họ cần là cơ chế và chính quyền ủng hộ cho họ. Chứ đừng như vừa rồi, một số nơi chỉ khư khư giữ lợi ích nhóm, đưa những cái công nghệ và doanh nghiệp của họ vào. Giờ tái cơ cấu phải mở cửa ra để cho các nhà khoa học, Việt kiều… để người ta vào làm.
. Xin cám ơn bà!