Cần hơn 17.000 tỉ đồng làm 3 dự án trọng điểm ở TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ KH&ĐT bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện ba dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị. Ba dự án này gồm xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp), cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).

Trong ba dự án trên, TP.HCM kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ toàn bộ vốn đầu tư dự án rạch Xuyên Tâm và dự án cải tạo kênh Hy Vọng. Riêng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP đề xuất hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn TP.

 Theo UBND TP.HCM, đối với các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách TP là 142.557 tỉ đồng. TP cần huy động thêm 119.400 tỉ đồng nhưng chưa được trung ương chấp thuận. Do đó, nguồn vốn hiện tại chỉ đủ để bố trí dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, không đủ cân đối để thực hiện dự án đầu tư trọng điểm, cấp bách mới.

Ba dự án trọng điểm, cấp bách

UBND TP.HCM cho biết hiện TP đã và đang ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đảm bảo kinh phí phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên ngân sách TP phân bổ cho các dự án đầu tư công rất khó khăn.

“UBND TP rất cần Bộ KH&ĐT quan tâm hỗ trợ, đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung vốn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021-2025 cho TP để đầu tư một số dự án trọng điểm, cấp bách” - văn bản TP.HCM gửi Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Cụ thể, đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, chiều dài khoảng 50 km, tổng mức đầu tư dự kiến 15.900 tỉ đồng theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Ngoài ra, dự án còn có một số nút giao khác mức liên thông nhằm đảm bảo tính kết nối giữa các đường ngang, các khu đô thị dọc tuyến như vành đai 3, vành đai 4, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 782, 787B và quốc lộ 22B. TP.HCM đề nghị trung ương hỗ trợ 5.901 tỉ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn TP.

Rạch Xuyên Tâm, một trong ba dự án trọng điểm, cấp bách được TP.HCM đề xuất đầu tư giai đoạn 2021-2025. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Đối với hai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và kênh Hy Vọng, TP.HCM kiến nghị trung ương hỗ trợ toàn bộ vốn để thực hiện.

Cụ thể, dự án rạch Xuyên Tâm, TP.HCM cần ngân sách trung ương bố trí gần 9.400 tỉ đồng. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,2 km, gồm tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật (6,42 km) và ba tuyến nhánh (1,78 km).

Về dự án cải tạo kênh Hy Vọng, TP kiến nghị trung ương hỗ trợ số vốn 1.980 tỉ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.600 tỉ đồng. Tuyến kênh được cải tạo dài khoảng 1,1 km; chỉnh trang hai bên đường cùng vỉa hè, thoát nước, chiếu sáng...

Dự án hoàn thành sẽ khơi thông dòng chảy tuyến kênh Hy Vọng, giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và một phần lưu vực 51,3 ha lân cận.

TP.HCM cam kết thúc tiến độ ba dự án

Theo UBND TP.HCM, TP đã tiến hành rà soát, cân nhắc tính cấp thiết của ba dự án cần đầu tư nhằm giải quyết đa mục tiêu. Cụ thể là giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị của TP. Ba dự án này còn mang tính kết nối liên vùng và khu vực; giảm ngập nước, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội.

“Từ tổng vốn từ ngân sách trung ương, UBND TP đề nghị giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ để thực hiện ba dự án trọng điểm cấp bách là 17.234 tỉ đồng. UBND TP.HCM cam kết đẩy nhanh tiến độ các thủ tục pháp lý để triển khai các dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần cho sự phát triển ổn định, bền vững của TP, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…” - UBND TP cho biết.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM, đánh giá cao việc sớm đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong giai đoạn 2021-2025. Nếu được bố trí vốn sớm, đơn vị sẽ triển khai các bước để thi công và hoàn thành theo tiến độ đã đặt ra.

“Đây là tuyến cao tốc duy nhất Xuyên Á kết nối các trung tâm kinh tế, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN. Ngoài phát triển về hạ tầng giao thông, TP còn tạo điều kiện khai thác quỹ đất phát triển đô thị dọc tuyến và các khu dịch vụ, công nghiệp hiệu quả” - ông Phúc kỳ vọng.

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư hai dự án rạch Xuyên Tâm và kênh Hy Vọng) cho biết: Đối với dự án rạch Xuyên Tâm, lãnh đạo TP đã trực tiếp đi thị sát nhiều lần kể từ ngày dự án được phê duyệt. Người dân nơi đây cũng đã chờ gần 20 năm nay để có một môi trường sống sạch, đẹp, an toàn với một diện mạo đô thị hoàn toàn mới.

Về phía địa phương, đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Nếu được bố trí vốn đầu tư, địa phương sẽ tổ chức triển khai ngay, dự kiến bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để khởi động vào năm 2023.

“Dự án cần sớm được triển khai bởi hiện nay các căn nhà hai bên rạch Xuyên Tâm rất lụp xụp, tạm bợ, môi trường ô nhiễm nặng, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan” - đại diện UBND quận Bình Thạnh cho hay.•

Cần sớm thực hiện ba dự án trọng điểm

GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá cao vai trò của cả ba dự án được TP kiến nghị trung ương bố trí vốn đầu tư. Những dự án này đã có chủ trương từ lâu nên cần sớm được phân bổ nguồn vốn để thực hiện.

“Dự án rạch Xuyên Tâm nối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hệ thống kênh Vàm Thuật phía bắc, hình thành sáu lưu vực thoát nước, gắn liền với sáu mạng lưới kênh rạch. Rạch này cũng đi qua địa bàn Gò Vấp, ở đây có một loạt vùng đô thị mới phát triển. Tuy nhiên, chúng ta sẽ còn gặp nhiều vấn đề trong quy hoạch bởi hạ tầng một số nơi còn yếu kém” - GS-TS Lê Thanh Hải nhận định.

Đối với kênh Hy Vọng, GS-TS Lê Thanh Hải cho rằng kênh này nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất, hay xảy ra tình trạng ngập lụt. Ngoài ra, tuyến kênh này hiện đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, TP đã có kế hoạch cải tạo kênh thì nay là thời điểm TP cần làm quyết liệt. Sau khi tuyến kênh này hoàn thành sẽ góp phần giảm ngập và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. NGUYỄN CHÂU

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm