Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chủ trương xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT khẩn trương có ý kiến kết luận rõ cơ sở pháp lý về việc xây dựng nhà ga T3 để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Phương án quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: T.GIANG
Trước đó, cuối năm 2019, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện, với tổng vốn 10.990 tỉ đồng của đơn vị này.
"Số tiền trên có thể chấp nhận được nhưng ACV phải chịu trách nhiệm về nội dung, phương pháp tính toán và sự phù hợp khối lượng và đơn giá áp dụng để xác định tổng mức đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư” - Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Bên cạnh đó, dự án có tiến độ xây dựng 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nhận định dự kiến tiến độ như trên là khó khả thi vì phải thực hiện các công việc, như thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…
Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo báo cáo tiền khả thi, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2. ACV cũng đề xuất đầu tư đồng bộ sân đỗ máy bay, đường dẫn trên cao hai làn xe, cầu cạn trước nhà ga năm làn xe và sân đỗ ô tô, nhà để xe cao tầng. Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đạt 45 triệu khách vào năm 2025, trong khi đó tổng công suất của hai nhà ga hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách mỗi năm. Do đó, theo ACV, việc xây dựng thêm một nhà ga công suất 20 triệu khách để khắc phục tình trạng tắc nghẽn tại đây là cấp thiết. |