Hà Nội: Quy hoạch hai bên sông Hồng lại vướng

Nhằm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ngày 14-5, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Một góc sông Hồng nhìn từ cầu Thanh Trì. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Quy hoạch sông Hồng vướng ở đâu?

Tại văn bản này, Hà Nội khẳng định đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định, đã nhận được góp ý của chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương, đơn vị liên quan. Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND TP tại Tờ trình số 97/2021.

Tuy nhiên, đến nay quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội, tích hợp vào Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Do vậy, để có cơ sở triển khai quy trình tiếp theo đúng quy định của pháp luật, UBND TP Hà Nội gửi hồ sơ về Bộ NN&PTNT xem xét, cho ý kiến về sự phù hợp của nội dung chính đồ án quy hoạch với Luật Đê điều, quy hoạch và phương án phòng chống lũ, quy hoạch đê điều và các quy định chuyên ngành có liên quan.

Theo đó, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, có ý kiến thống nhất quan điểm giải quyết về quy hoạch xây dựng, thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Cụ thể là thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường và đê từng khu vực và hệ thống toàn tuyến trên nguyên tắc không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ mà nghiên cứu hệ thống cốt nền dọc bờ sông phù hợp, không gây cản lũ. Quy hoạch xây dựng dành không gian cho giao thông trong không gian thoát lũ (từ đê tới đê hiện có): Giải pháp cụ thể về các tuyến đường, cầu, cửa khẩu qua đê sẽ theo từng đoạn tuyến, dự án đầu tư theo đúng thỏa thuận và yêu cầu quản lý của ngành GTVT và nông nghiệp.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ và đê điều về quản lý, sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư để xác định rõ được tồn tại bảo vệ hay cần di dời làm căn cứ để lựa chọn giải pháp quy hoạch. Đồng thời hướng dẫn cụ thể về cơ sở xác định ranh giới, quy mô, diện tích đất bờ sông, diện tích bãi nổi thuộc bãi sông Hồng và phương án nghiên cứu đề xuất cụ thể trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất do Hà Nội đề xuất.

Hà Nội rt cn quy hoch sông Hồng

Chuyên gia Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho hay Hà Nội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng từ nhiều năm nay nhưng chưa thành hiện thực. Trong đó, từ năm 2005, TP Seoul (Hàn Quốc) đã từng giúp Hà Nội làm quy hoạch sông Hồng dựa trên kinh nghiệm xây dựng TP bên sông Hàn của nước bạn. Đồ án của phía Hàn Quốc được đánh giá cao nhưng không còn phù hợp, vì năm 2008, Hà Nội được mở rộng từ 921 km2 lên tới 3.344 km2 (theo Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội).

“Với diện tích đó, Hà Nội đã có đầy đủ điều kiện để xây dựng một TP đa chức năng trong nhiều thập niên tới. Và với điều kiện đó, Hà Nội không cần phải chất tải, xây quá nhiều nhà cao tầng dọc sông Hồng nữa” - ông Chính nói.

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội (Quyết định 1259/2011) và quy hoạch phân lũ sông Hồng (Quyết định 257/2016) thì TP đã có cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai xây dựng các quy hoạch phân khu, trong đó có Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đến nay, Hà Nội đã đạt được bước tiến lớn trong xây dựng, tiến tới phê duyệt quy hoạch này. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là thoát lũ, phân lũ và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Theo ông Chính, trong đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang xây dựng, nội dung này cũng được làm rất kỹ. Cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch cũng đã đưa ra phải xem xét dòng chảy đến đâu, đường làm từ đoạn nào đến đoạn nào, ở chỗ nào, kèm theo đó là những khuyến cáo, chỉ tiêu xây dựng để không làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

“Tôi nghĩ vấn đề về dòng chảy sông Hồng, đê điều sẽ quyết định cho đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đồ án quy hoạch này đã được lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học, người dân. Tôi biết Thành ủy Hà Nội đã lắng nghe ý kiến việc chỉnh sửa này với mong muốn trong quý III-2021, quy hoạch này được phê duyệt” - ông Chính nói.

Ông Chính cho rằng quy hoạch sông Hồng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Từ trước đến nay, Hà Nội đã triển khai rất nhiều các quy hoạch phân khu nhưng đến nay việc xây dựng hai bên sông Hồng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu cơ sở pháp lý. Những con sông chính là dòng chảy mang tính văn hóa, lịch sử làm nên thương hiệu cho các đô thị. Hà Nội với con sông Hồng mang lịch sử hàng ngàn năm nhưng đến nay chưa có một quy hoạch hoàn chỉnh, có cơ sở pháp lý để xây dựng thành một trục cảnh quan cho thủ đô là một thiếu sót.•

Hiện nay, rất nhiều nhà, phố xá đều quay lưng ra sông. Con sông đẹp như thế, phù sa màu mỡ như thế, cảnh quan đẹp như thế nhưng lại có nhiều khu dân cư nhếch nhác, nhiều đoạn sông chưa được quản lý tốt. Hạ tầng điện, nước, thoát nước đảm bảo cuộc sống của người dân ven sông chưa được triển khai vì thiếu quy hoạch. 

Chuyên gia TRẦN NGỌC CHÍNH, 
Ch
ủ tịch Hi Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

 

Đang lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 24-6, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện nay Bộ NN&PTNT đang khẩn trương lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học. Bộ sẽ sớm có văn bản trả lời UBND TP Hà Nội, khi đó sẽ thông tin tới báo chí. AN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm