Nguồn gốc bụi mịn và 5 giải pháp cấp bách

Chiều 19-12, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn. Ông Hà cho rằng vấn đề ô nhiễm bụi mịn đã rất cấp bách, nghiêm trọng, cần ngay giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân.

Ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội, TP.HCM ở mức độ nào?

Theo báo cáo của Hà Nội và TP.HCM thì số liệu quan trắc không khí từ năm 2013 đến nay, các chỉ số không khí như CO, SO2, NOX, bụi thô (PM10)… đều trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, chỉ số về bụi mịn gia tăng mạnh vào năm 2017 và 2019.

Tại Hà Nội, nồng độ bụi mịn trong không khí cao vào thời điểm 5-8 giờ sáng, 18-22 giờ tối và tăng theo mùa, nhất là vào mùa khô hanh khi có hiện tượng nghịch nhiệt. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12-2019, liên tục có những đợt Hà Nội xuất hiện ô nhiễm bụi mịn, có thời điểm vượt quy chuẩn 3-4 lần.

Về nguyên nhân gây ô nhiễm bụi mịn tại hai TP này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay hội nghị thống nhất có một số nguyên nhân chính.

Trong đó, đứng đầu là do khí thải từ các phương tiện giao thông. Theo đó, nhiều phương tiện giao thông đã cũ, tiêu chuẩn khí thải thấp. Cụ thể, tại Hà Nội có tới 5,8 triệu xe máy, gần 800.000 ô tô (chưa tính tới hàng triệu xe tăng cơ học); còn TP.HCM có khoảng 7,5 triệu xe máy, 700.000 ô tô, 3-4 triệu xe vãng lai.

Nguyên nhân thứ hai là hiện nay cả Hà Nội và TP.HCM đều là đại công trường xây dựng với nhiều công trình cao ốc, vỉa hè, dự án hạ tầng đang triển khai…, trong đó Hà Nội có trên 1.000 công trình xây dựng.

Thứ ba là cả Hà Nội và TP.HCM đều có rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp phân bố ở khu vực nội thành, ngoại thành. Đặc biệt tại TP.HCM có tới gần 900 nhà máy, cơ sở sản xuất… Ngoài ra, Hà Nội có nguyên nhân đặc thù hơn do việc đốt rơm rạ theo mùa và TP hiện có 60.000 hộ sử dụng bếp than tổ ong.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Cần ngay giải pháp cấp bách

Trước tình hình trên, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nội và TP.HCM phải triển khai ngay các giải pháp cấp bách để bảo vệ sức khỏe người dân.

“Có những nguyên nhân không thể xử lý, giải quyết ngay được nhưng có những nguyên nhân có thể xử lý ngay được, vì vậy cần áp dụng ngay các biện pháp cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm bụi mịn, bảo vệ sức khỏe cho người dân” - Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Theo đó, ông đề nghị Hà Nội và TP.HCM tập trung mọi nguồn lực, huy động ngân sách, nhân lực để đánh giá, quan trắc chất lượng không khí, đặc biệt vào thời điểm nhạy cảm có khả năng xuất hiện ô nhiễm bụi mịn.

Sau đó phải công bố hai lần/ngày cho người dân. “Nếu tình trạng chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn, phải khuyến cáo người dân theo các biện pháp mà Bộ Y tế đã khuyến cáo” - ông Hà nói.

Ông cũng đề nghị vào những ngày không khí có chất lượng xấu thì hai TP này phải phun rửa đường, điều tiết, phân luồng giao thông, cảnh báo cho người dân không đi vào khu vực có mật độ giao thông cao. Ngoài ra, phải khuyến cáo người dân không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ…

Về hạn chế bụi từ hoạt động xây dựng, bộ trưởng TN&MT cho hay ngay sau cuộc họp này, Bộ TN&MT cùng Bộ Xây dựng sẽ có quy định bằng văn bản quy định bảo vệ môi trường với các công trình xây dựng để giảm thiểu bụi phát tán từ hoạt động xây dựng gây ra.

Theo đại diện Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, sau gần một tháng kiểm tra khí thải từ ngày 6-11, lực lượng thanh tra đã kiểm tra 36 xe tại Bến xe Miền Tây và Bến xe Ngã Tư Ga và chỉ phát hiện, xử lý hai vụ vi phạm về khí thải, số tiền xử phạt là 700.000 đồng. 

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường và các luật liên quan.

Đối với vấn đề tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông, ông cho rằng Hà Nội và TP.HCM cần đẩy nhanh lộ trình so với cả nước. Theo đó, các tiêu chuẩn khí thải của hai TP phải cao hơn so với các địa phương khác, việc chế tài xử lý vi phạm phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, khuyến khích sử dụng xe chạy điện, khí sạch…

Bộ trưởng TN&MT cũng nhấn mạnh vấn đề quy hoạch đô thị phải được đặc biệt quan tâm và đặt lên trước tiên trong bảo vệ môi trường. “Hạ tầng giao thông, môi trường… đều không thể chịu tải được khi tăng dân số cơ học lớn như hiện nay. Muốn giải quyết bài toán này phải làm từ khâu quy hoạch, phải giữ được cây xanh, hồ ao. Nếu đô thị chỉ có nhà máy, công xưởng, nhà ở mà không có mảng xanh thì hệ sinh thái của đô thị không tự điều hòa được” - Bộ trưởng Hà nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường

Chiều 19-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến trước đề nghị của Bộ TN&MT về các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn. Đồng thời có đề xuất về các giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-1-2020.

Giao Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ; xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các TP…

Yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Bộ Xây dựng kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình. Bộ NN&PTNT hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch.

UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Đặc biệt nhanh chóng xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguồn phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung…

AN HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm