Đông y cứu bệnh nhiễm trùng tiết niệu

Dù bệnh nhiễm trùng tiết niệu (hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu) dễ mắc phải và thường gặp nhưng rất ít được chú ý đề phòng. Khi bệnh bộc phát, bệnh nhân có xu hướng tìm tới Tây y để giải quyết nhanh hơn mặc dù Đông y có những phương pháp phòng ngừa hiệu quả ngay từ khi chưa mắc bệnh.

Dễ mắc bệnh, dễ phòng ngừa

Viêm đường tiết niệu không chừa một ai, đặc biệt là phụ nữ. Đối với phụ nữ sống ở thành thị, làm việc công sở hoặc kinh doanh từ sáng đến tối ở bên ngoài, việc vệ sinh sau khi tiểu tiện thường bị giới hạn, đồng thời những bộ trang phục quá chật cũng là nguyên nhân tăng nguy cơ bệnh. Với những phụ nữ nông thôn, công việc đồng áng thường ngâm mình dưới ruộng, trong sinh hoạt hằng ngày còn sử dụng nước sông, ao, hồ và ý thức giữ vệ sinh ở chị em còn kém, do đó dễ nhiễm bệnh.

Những biểu hiện của bệnh nhiễm trùng tiết niệu rất dễ tự phát hiện. Triệu chứng rõ rệt nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu là đi tiểu buốt, rát, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt nhiều lần, thậm chí còn tiểu ra máu, đi tiểu ban ngày lẫn ban đêm, cảm giác bị đau lưng, nặng bụng dưới, có cảm giác thúc hậu môn muốn đi tiêu nhưng không thể và đôi khi kèm sốt nhẹ.

Ngoài nguyên nhân nhiễm trùng nói trên, bệnh còn có thể do sạn thận hoặc do sỏi niệu đạo. Có khi sau vài ngày bệnh tự khỏi nhưng chỉ sau một thời gian ngắn những triệu chứng này lại tái phát và có phần nặng hơn.

Để phòng bệnh và tránh bệnh lặp lại sau khi điều trị, ngoài việc tăng cường vệ sinh cá nhân, uống nhiều nước (tối thiểu 1,5-2,5 lít/ngày) để đào thải các thành phần có hại, tránh sự tăng sinh của mầm bệnh. Ngoài ra, việc tập thể dục thường xuyên và sử dụng thêm thảo dược trong y học cổ truyền cũng thể giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả.

Giải pháp chậm nhưng chắc

Khác với Tây y là có thể giải quyết cấp thời với thuốc kháng sinh và viêm nhiễm, Đông y đòi hòi có nhiều thời gian hơn trong quá trình ngừa và chữa trị. Những loại cỏ cây được xem là thuốc cứu bệnh viêm tiết niệu như dành dành, mã đề, cỏ tranh, râu ngô, rau má, rau sam, râu mèo, bồ công anh, đạm trúc diệp, kim ngân, liên kiều, mộc thông, thông thảo, ý dĩ, trạch tả, kim tiền thảo, rau đắng… Đây là những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kháng viêm, lợi tiểu, tán sỏi. Bên cạnh các cây cỏ trên, người bệnh nên ăn thêm nhiều loại trái cây chứa vitamin C như cam, chanh, quýt, bưởi,… vì hàm lượng acid cao trong nước tiểu hạn chế vi trùng phát triển và tăng sức đề kháng cơ thể.

Các loại thảo dược này có thể phơi khô dưới dạng trà để nấu nước uống hoặc có thể dùng làm thức ăn hằng ngàyđể tăng cường sức đề kháng và cũng có tác dụng bổ thận.

Khi phát hiện bệnh, người bệnh nên tìm đến bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhiễm trùng đường tiết niệu thông qua kết quả xét nghiệm nước tiểu. Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện bị nhiễm trùng, tùy từng loại vi khuẩn gây ra mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp. Một đợt điều trị kháng sinh từ một tuần đến 10 ngày. Trong thời gian điều trị Tây y, vẫn có thể kết hợp thuốc Tây và thuốc y học cổ truyền để tăng hiệu quả điều trị và không quá lo lắng về việc bệnh tái phát.

Tùy theo từng địa phương có loại cây thuốc nào ta có thể dùng loại ấy, theo mùa theo vùng, không nên tìm những loại quá cầu kỳ tốn kém. Cần chẩn đoán đúng nguyên nhân để tránh biến chứng viêm bàng quang, suy thận nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân cũng không được tự ý mua kháng sinh uống khi có những triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu mà dứt khoát phải được bác sĩ kê toa, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lờn thuốc.

Bài thuốc Đông y phòng chữa nhiễm trùng tiết niệu

- Trà kim ngân hoa, mã đề, rễ cỏ tranh, mỗi loại 8-10 g, đun trong 1 lít nước, chia 3-4 lần uống trong ngày, chữa viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, sạn thận.

- Trà hạ khô thảo 8-10 g, thêm khoảng 1 g cam thảo, đun sôi trong 600 ml nước còn khoảng 300 ml nước rồi chia nhiều lần uống trong ngày, tác dụng thông tiểu tiện, sát trùng đường tiểu.

- Trà cỏ tranh, rau đắng, thài lài tía, rau má, râu bắp, mỗi loại 8-10 g, nấu trong 1 lít nước sôi nhẹ trong 5 phút rồi uống trong ngày, uống liền trong một tuần.

- Trà rau má, râu bắp, rễ tranh (mỗi loại 5-10 g), thêm một nhúm hạt mãn đình hồng (thục quỳ tử), nấu uống ngày 1-2 lần, uống trong năm ngày sẽ hết tiểu đỏ.

- Trà rau má, diếp cá (8-12 g) giúp giảm tiểu buốt, tiểu gắt. Có thể thêm cỏ tranh càng tốt.

- Lấy vỏ cây đại (sao vàng) 10 g, rễ cỏ tranh, rau má 10 g, mã đề 5 g, sắc uống chữa bí tiểu. Ngày ba lần trước bữa ăn. Cần uống trong ba ngày.

- Bài râu ngô, rau má, mã đề, ý dĩ, sài đất 8-10 g. Nấu sôi trong 1 lít nước, chia ra uống trong ngày, uống liền một tuần lễ.

- Bài rau má 10 g, bồ công anh 20 g, mã đề 16 g, thài lài tía, chi tử, râu ngô, mộc thông, cam thảo dây, mỗi vị 12 g. Sắc uống ngày một thang, chữa viêm đường tiểu, tiểu tiện không thông.

DS LÊ KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm