Giới trẻ đang Tây hóa, Hàn hóa

Cuối tháng 10-2011, sau buổi ra mắt một dòng xe máy, rất nhiều báo, trang mạng đã đăng tải thông tin về sự kiện này kèm theo chùm ảnh các bạn trẻ lứa tuổi học trò tham dự. Đa phần những bạn trẻ được các doanh nghiệp chọn mặt gửi vàng trong các buổi ra mắt sản phẩm là những gương mặt được các trang mạng phong danh hot boy, hot girl. Nghe những cái tên: Angela Phương Trinh, Jenny Hải Yến, Hà Lade, Trang Trana, B.Silly, Quỳnh Anh Shyn, Huyền Lizzie, Cường Seven... có lẽ ai cũng ngỡ đó là Việt kiều. Kèm theo những cái tên nửa Việt nửa Tây là những câu chú thích được chèn ngoại ngữ vô tội vạ: Quỳnh Anh Shyn ”cute vô đối” trên thảm đỏ, Thế hệ hot girl mới cute và rất tự tin, Cùng ngắm hot teen...

Chèn tiếng Anh cho sành điệu

Đó chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong vô vàn những câu chuyện Tây hóa, Hàn hóa... đang xảy ra trong giới trẻ. “Hi. You khỏe không? I có chuyện này hay muốn tell you mấy bữa nay nè... Ui, áo cute quá!”, vừa gặp tôi ở một buổi họp báo, cô bạn làm ở một trang mạng dành cho tuổi học trò đã rối rít chào hỏi. Hiện nay, từ ngôn ngữ được sử dụng trên mạng đến ngôn ngữ hằng ngày của giới trẻ đều chen đầy tiếng Anh: Thanks (cảm ơn), Cute (dễ thương), OMG (Oh My God! - Ôi, Chúa ơi!), LOL (Laugh Out Loud - cười lớn tiếng)... Rất nhiều bạn trẻ thấy người khác dùng những cụm từ này cũng dùng theo. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu nghĩa chính xác của tất cả các từ hay cụm từ trên. Thế là họ lại lên các diễn đàn đặt câu hỏi. Và trên các diễn đàn, mỗi cụm từ lại được tạo thành một chủ đề riêng với nhiều cách giải thích nghe thật ngỡ ngàng.

Như OMG trong các diễn đàn trò chơi của giới trẻ Việt còn có nghĩa là Oh Game Master! (Bậc thầy trò chơi). Cụm từ trên được các bạn dịch sang tiếng Việt là Ôi người điều hành game của tui! Việc một thành viên không biết gì cứ mạnh dạn hỏi được đánh giá là “ko bik thì hỏi, mún pro phải làm 1 gamer chân chính” (Không biết thì hỏi, muốn chuyên nghiệp phải làm một người chơi chân chính (?!)...). Hay khi một thành viên nói rằng cụm từ LOL chỉ nên dùng trên mạng, không dùng trong văn nói, diễn thuyết..., lập tức một bạn trẻ khác phản pháo bằng dẫn chứng “trong phim Due Date (tựa tiếng Việt: Đen đủ đường) có dùng cụm từ này”.

Giới trẻ đang Tây hóa, Hàn hóa ảnh 1

Các trang mạng dành cho giới trẻ với ngôn ngữ Tây - ta xen lẫn góp phần lớn trong hiện tượng ngoại lai văn hóa nơi giới trẻ. Ảnh: NAM THANH

Mặc theo... phim Hàn Quốc

QA - em gái một người bạn của tôi - mê nhóm nhạc Girls’ Generation của Hàn Quốc đến cuồng nhiệt. Mỗi khi mẹ hoặc chị nhờ rửa chén hoặc nhặt rau, cô thường từ chối với lý do “không có thời gian, còn phải học bài”. Vậy nhưng mỗi ngày QA lại dành hẳn 2 tiếng đồng hồ để học những câu đàm thoại tiếng Hàn, lướt web xem thời trang Hàn Quốc với ước mơ... một ngày có thể nói chuyện trực tiếp với thần tượng.

Sự ngoại lai còn thể hiện ở sở thích, lối sống, đặc biệt là thời trang của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Một thời rộ lên phong trào khuyên tai nhiều lỗ, khuyên rốn, khuyên mũi; tóc nhuộm; xăm, vẽ... trong giới trẻ. Bây giờ xu hướng trang điểm, trang phục của các nghệ sĩ Hàn Quốc nhẹ nhàng hơn, giới trẻ Việt cũng theo đó mà làm.

Hè qua, ra đường có thể thấy nhan nhản nữ sinh đeo bờm công chúa. Hàng loạt loại bờm từ nơ, tai thỏ, tai gấu, hoa, vương miện… bằng vải, len, ruy băng… được các bạn cài lên tóc. Đó là ảnh hưởng từ nữ diễn viên Hàn Quốc Kim Tae Hee, đang là thần tượng của giới trẻ Việt, có phong cách công chúa với những phụ kiện tương tự trên tóc trong phim My Princess (Công chúa của tôi). Hoặc sau bộ phim Secret Garden (Khu vườn bí mật), những bộ trang phục màu đen, xám, xanh phối với áo sọc ngang, ca rô màu nổi cổ trễ qua vai của nhân vật Gil Ra Im do Ha Ji Won đóng cũng trở thành mốt với các bạn trẻ.

Để có được những bộ trang phục y như diễn viên Hàn Quốc, có bạn cất công sưu tập mẫu váy, áo rồi đặt may y hệt. Một số bạn không ngại vòi vĩnh cha mẹ để có tiền đặt hàng qua mạng nhằm có được những bộ trang phục xuất xứ từ Hàn Quốc chính hiệu cho giống thần tượng.

Halloween nửa mùa

Bắt chước Hàn Quốc trong trang phục đã đành, nhiều bạn còn tỏ ra khá hào hứng với cả những lễ hội phương Tây. Dịp Halloween vừa rồi, do ngay cả TP.HCM vẫn chưa có nhiều không gian cho các loại lễ hội mới du nhập này nên các bạn trẻ tụ tập lên phố Tây Phạm Ngũ Lão để chơi. Có lẽ do chỉ dừng ở mức tham gia theo phong trào chứ không hiểu nguồn gốc lễ hội nên nhiều bạn mặc trang phục nửa Hàn nửa Hoa, mặt lại vẽ chân dung ma cà rồng... khiến nhìn tổng thể trông thật nửa mùa. Đến nay dường như Halloween vẫn chỉ là dịp để một số bạn trẻ có cớ xin phép gia đình đến vũ trường tập trung nhảy nhót...

Nhiều người cho rằng sự ảnh hưởng đó bắt nguồn từ các sản phẩm giải trí như phim ảnh, ca nhạc... Thực tế, ảnh hưởng từ phim ảnh chỉ là một phần; chủ yếu thể hiện qua trang phục, trang sức, tóc tai...

Hiện tại, chỉ cần vào một vài trang mạng có thể thấy ngay tên chuyên mục các báo, trang mạng dành cho tuổi học trò phần lớn là tiếng nước ngoài: Cinebiz, Campus Horoscope, Musik, Made by Teens, 2-Tek, Teeniscover, Lạ và Fun… Đáng nói là một số từ trong đó vốn do các trang mạng… tự chế chứ không có trong tiếng Anh: Teeniscover là ghép của từ Teen (thiếu niên) và Discover (khám phá).

Các bạn trẻ tiêu tốn không ít thời gian, tiền bạc vào chuyện trang phục, tóc tai, làm đẹp... theo xu hướng nước ngoài mà quên rằng đó không phải là những thứ cốt yếu làm nên giá trị bản thân. Thật tiếc khi ý thức tự lập - một trong những điều khá hay từ cách sống của các bạn trẻ nước ngoài - lại chưa được nhiều bạn trẻ Việt “bắt chước”.

Nhu cầu thể hiện mình và hòa nhập với bạn bè

Hành vi bắt chước ở lứa tuổi thanh thiếu niên xuất phát từ các nhu cầu. Có hai nhu cầu chính ở lứa tuổi này: Nhu cầu thể hiện mình và nhu cầu hòa nhập với nhóm bạn.

Nếu các bạn trẻ chỉ bắt chước trong trang phục, ngôn ngữ thì không đáng lo lắm vì các bạn chỉ muốn chứng tỏ mình sành điệu khi làm thế. Đó cũng là một trong những đặc trưng của lứa tuổi này và nó cũng qua đi khi các bạn trưởng thành. Tuy nhiên, từ bình thường rất dễ phát triển đến bất thường khi các bạn tìm mọi cách để thực hiện nhu cầu; tức là tìm mọi cách để có tiền mua sắm, đua đòi; ganh tị lẫn nhau trong nhóm bạn, tẩy chay bạn bè vì bạn phục sức giống mình... Chính những cái bất thường này mới cần sự hướng dẫn của người lớn bởi nếu không, những yếu tố đó sẽ dần trở thành tính cách khi lớn lên.

Cô NGUYỄN THỊ DIỆU ANH, chuyên viên tâm lý lâm sàng
BV Nhi đồng 1, TP.HCM

NAMTHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm