Ngày 19-6, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) buôn lậu C74 (Phòng 2 và Phòng 6) đã cùng Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, PC64 Đồng Nai gỡ niêm phong, kiểm tra liên tục sáu toa hàng hóa đã bị tạm giữ trước đó vì nghi là hàng lậu.
Theo thông tin ban đầu, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện và tạm giữ hơn 1.000 bao kiện trọng lượng ước khoảng 70 tấn, giá trị ước tính hàng chục tỉ đồng tại ga Biên Hòa và ga Trảng Bom.
Nhập lậu cả xe mô tô phân khối lớn
Một nguồn tin cho biết bên trong các bao hàng hóa gồm các loại điện thoại, linh kiện điện tử, rượu, sữa, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, xe mô tô phân khối lớn... Tất cả đều không có nguồn gốc rõ ràng và không có hóa đơn, chứng từ. Chủ hàng sử dụng các hóa đơn không có giá trị pháp lý, dạng phôtô, không thể xuất trình bản chính. Một số hóa đơn xuất trình không chứng minh được nguồn gốc. Lô hàng nghi là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, do các “đầu nậu” tại TP.HCM vận chuyển.
Đại diện Cục Cảnh sát PCTP buôn lậu C74 cho biết lô hàng đang được tạm giữ tại Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai. Qua xác minh, chủ hàng của nhiều hàng hóa bị tạm giữ là Công ty CP Bao bì vận chuyển Hà Nội. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh nguồn gốc hóa đơn, chứng từ của lô hàng trên.
Đại diện Cục Cảnh sát PCTP buôn lậu C74 cho biết thêm thời gian qua, hàng hóa nhập lậu vận chuyển bằng đường sắt chiếm tỉ lệ rất lớn. Vì thế công tác kiểm tra và phối hợp giữa các đơn vị, ban ngành có liên quan cần phải siết chặt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu hàng hóa.
Cơ quan chức năng kiểm tra các toa tàu nghi chứa hàng nhập lậu ở Đồng Nai. Hàng hóa không rõ nguồn gốc được vận chuyển bằng đường sắt đang bị tạm giữ. Ảnh: HT
“Không thể kiểm tra được tất cả”
Chiều 19-6, đại diện Công ty CP Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội cho biết: “Hiện ngành đường sắt chưa nhận được thông tin sự việc tạm giữ hàng hóa tại ga Biên Hòa. Chúng tôi rất muốn được phía công an thông tin để hiểu được sự việc sai phạm đến đâu và tìm ra kẽ hở từ khâu nào để xử lý”.
Riêng về quy trình quản lý hàng hóa trước khi lên tàu, vị đại diện cho hay: “Quy trình quản lý hàng hóa trước khi lên tàu được thực hiện rất chặt chẽ. Cụ thể, khách đến nhà ga gửi hàng hóa sẽ phải xuất trình hóa đơn hàng hóa. Sau đó, khách phải làm tờ khai hàng hóa gồm những loại nào và chịu trách nhiệm pháp lý về hàng hóa. Sau đó, nhân viên sẽ kiểm tra thùng hàng nếu phát hiện nghi vấn. Tiếp theo, hàng hóa được chuyển đến kho và phân bổ đến các toa”.
Theo đại diện Công ty CP Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, trước đây ga Hà Nội đã phát hiện nhiều trường hợp hàng hóa có vấn đề và đã xử lý theo hướng không nhận hàng.
Riêng đối với vấn đề có hay không việc nhân viên đường sắt cố tình để hàng lậu lên tàu, vị phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội cho biết là không có. “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra tại ga thì nhân viên đều làm đúng thủ tục, giấy tờ. Nếu phát hiện sai phạm, nhân viên nào dính líu đến việc vận chuyển hàng hóa nhập lậu thì sẽ bị kỷ luật, thậm chí đuổi việc” - vị này nói.
Quy trình đã chặt chẽ như vậy thì tại sao hàng hóa lậu vẫn có thể được vận chuyển số lượng lớn bằng tàu hỏa? Với câu hỏi này, vị này cho hay: “Có thể trong quá trình kiểm hàng, nhân viên đường sắt vì không hiểu rõ các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa theo luật thương mại nên mới nhận hàng. Mặt khác, chúng tôi chỉ kiểm tra thùng hàng khi phát hiện nghi vấn chứ không thể kiểm tra được tất cả…”.
Sau sập cầu, bắt nhiều hàng lậu tại ga Biên Hòa Sau sự cố sập cầu Ghềnh ngày 20-3, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ hàng hóa nhập lậu với khối lượng lớn được vận chuyển bằng đường sắt tại ga Biên Hòa. Đơn cử như chiều tối 10-6, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản tạm giữ khoảng 70 tấn hàng hóa được vận chuyển trên bảy toa tàu thuộc đoàn tàu H7. Hàng hóa gồm đủ loại như phụ tùng ô tô, xe máy, sữa tắm, linh kiện máy may, quần áo, vải vóc… do Trung Quốc và Thái Lan sản xuất. Số hàng hóa được đóng trong các bao tải, thùng giấy, kiện gỗ. Đại diện các chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và cho biết thuê vận chuyển số hàng trên từ ga Hà Nội vào ga Hố Nai, sau đó đưa đi TP.HCM và Bình Dương tiêu thụ. Sau khi kiểm tra, tạm giữ số hàng hóa trên, lực lượng cảnh sát kinh tế đã mở rộng điều tra vụ việc... |