Chỉ 10 ngày sau, tay vợt 23 tuổi này vọt lên hạng 99 TG nhờ đoạt HCB tại giải quốc tế Noumea (Tân Caledonia) sau khi thua hạng 59 TG Kritina Ludikova (CH Czech) ở chung kết, và thắng hạng 80 TG Lucia Tavera (Tây Ban Nha) ở bán kết, thắng hạng 119 TG Karen Foo Kune (Mauritius) ở tứ kết. Nhìn lại thứ hạng 203 TG hồi tháng 11/2006, mới thấy Nguyên Nhung tiến bộ rõ rệt sau 7 tháng liên tục “tạm trú” ở trung tâm tập huấn của Liên đoàn Cầu lông Thế giới - Saarbruecken (Đức).
“Công chúa nhỏ” trưởng thành
Là con một nên Nhung được cưng như trứng mỏng, đi đâu cũng có cha mẹ đưa đón, thế nên khi UBTDTT quyết định cho Nguyên Nhung tập huấn ở Đức theo tài trợ của BWF (trung tâm đài thọ về tập luyện, ăn ở; gia đình tự túc chi phí thi đấu) từ ngày 4/1/2007-31/8/2008, ông bà Lê Hoàng Hiệp lo cho con lắm.
Bốn tháng đầu năm 2007, ngoại trừ chiếc HCĐ giải quốc tế Romania, Lê Ngọc Nguyên Nhung vẫn ì ạch trong vòng 180-200 TG. Vừa phải mượn tiền ông Gunther Huber (phụ trách trung tâm Saarbruecken) trang trải chi phí thi đấu khi gia đình chưa kịp gửi tiền sang, vừa sa sút tâm lý, Nguyên Nhung có những ngày rất chông chênh ở Đức. “Cho đến một ngày, tôi đang ở sân tập thì HLV Kim Ji Huyn dúi vào tay tấm vé máy bay về VN, với nhắn nhủ mong khi quay lại thì tôi yên tâm tập luyện hơn” – Nguyên Nhung tâm sự với người thân khi bất ngờ trở lại TPCHM hồi tháng 6/2007, nhưng lại từ chối tham dự giải VĐ đồng đội QG trong thành phần ĐT TPHCM.
Lê Ngọc Nguyên Nhung đoạt HCB giải quốc tế Noumea cuối tháng 7-2007 |
Lần ấy, Nguyên Nhung quay lại Đức với ngổn ngang tâm sự do TPHCM không bảo vệ được chức vô địch đồng đội nữ, còn cha mẹ cô thì cuống cuồng xoay xở tiền bạc cho Nhung trả nợ ông Gunther (1.000 euro) và trả tiền vé máy bay cho HLV Kim (1.100 euro).
Không ai biết chuyện nữ HLV Hàn Quốc này sau đó chỉ nhận lại nửa tiền vé vì thương học trò còn khốn khó. Cũng không ai biết, trong những ngày ở New Zealand dự các giải quốc tế quanh đấy, Nguyên Nhung làm bồi bàn lãnh lương theo giờ để trang trải tiền ăn. Qua vài dòng email ngắn ngủi gửi báo Thể Thao, có thể thấy Nguyên Nhung trưởng thành hơn so với hình ảnh “công chúa nhỏ” của cha mẹ: “Ở Đức, BHL yêu cầu tập 6 ngày/tuần (2 buổi/ngày) nhưng gần như em tập đủ 7 ngày/tuần. Em phải tập thêm và cố gắng nhiều, vì ở đây chỉ mình em là dân châu Á nên thua thiệt về chiều cao, sức khỏe, sức mạnh. Với lại phải phấn đấu thế thì đồng môn không coi thường, HLV mới tận tình dạy mình”.
Gian nan đường đến Olympic
Ngày 31/ 7/2007, chưa kịp mừng vì lần thứ hai liên tục trong tháng đoạt HCB đơn nữ ở các giải quốc tế, Lê Ngọc Nguyên Nhung lại phải gửi email cầu cứu PCT LĐ Cầu lông TPHCM, bà Huỳnh Ngọc Liên: “Cô ơi, tình hình kinh tế nhà con không ổn, nên không thể chi viện thêm cho con thi đấu quốc tế nữa. Chắc con phải báo cáo với lãnh đạo trung tâm ở Đức, nếu họ cho con ở lại tập thì không sao, còn không thì con quay về”. Tính đến cuối tháng 7/2007, gia đình Lê Ngọc Nguyên Nhung đã gửi cho cô 107 triệu đồng, trong đó có 3.500 USD (tương ứng 56,525 triệu đồng) do LĐCL TPHCM hỗ trợ thì Nhung mới đấu được 10 giải. Đó là chưa kể chi phí vé máy bay khi Nhung đến Đức hồi tháng 1/2007 cũng như tiền “dằn túi”.
Ông Lê Hoàng Hiệp cho biết: “Khi chuẩn bị cho cháu tập huấn ở Đức, chúng tôi đồng ý với UBTDTT là gia đình tự túc chi phí thi đấu, vì năm 2006 Nhung có ở đấy vài tháng và nghe BHL nói là chi phí này không quá tốn kém vì nhiều giải gần Đức, chỉ tốn tiền xăng và thuê xe hơi. Tôi gần 60 tuổi, phụ việc cho chú em, vợ tôi chỉ làm việc nhà, nên bây giờ chỉ mong ngành TDTT và các tổ chức xã hội giúp cho cháu có cơ hội tập huấn và thi đấu tiếp để thực hiện ước mơ tìm suất dự Olympic”.
Thực ra, từ cuối tháng 4/2007 ông Gunther Huber (giám đốc phát triển thi đấu của BWF, phụ trách trung tâm huấn luyện cầu lông TG Saarbruecken) đã thông báo với gia đình VĐV Lê Ngọc Nguyên Nhung chuyện họ phải chuẩn bị “hầu bao” như sau: “Chuẩn bị cho VĐV Lê Ngọc Nguyên Nhung giành suất tham dự Olympic Bắc Kinh, chúng tôi có kế hoạch thi đấu quốc tế để tăng thứ hạng của em lên hạng 38 TG đơn nữ trong vòng một năm, từ tháng 5/2007-5/2008.
Nguyên Nhung cùng HLV Kim |
Chỉ tính từ tháng 5 tới tháng 12/2007, Nguyên Nhung sẽ tham dự 19 giải, với chi phí trung bình 400 euro/giải cho các khoản di chuyển, ăn nghỉ. Như vậy, cho đến hết năm 2007, Nguyên Nhung cần khoảng 8.000 euro”.
Từ tháng 5 - tháng 7/2007 Nguyên Nhung dự 5 giải, tạm tính là mới xài hết 2.000 euro (dù thực tế chỉ riêng vé máy bay khứ hồi Đức-New Zealand để dự hai giải ở New Zeland, Tân Caledonia đã “ngốn” hết 1.200 uero). Nên theo kế hoạch này, Nguyên Nhung cần được hỗ trợ 6.000 euro để hoàn thành kế hoạch thi đấu trong năm 2007.
Trong email mới nhất, Lê Ngọc Nguyên Nhung bộc bạch: “Em và HLV Kim nói với nhau là phải tính lại chuyện thi đấu quốc tế, không chỉ vì em vừa được tin mình sẽ dự SEA Games 24, mà còn phụ thuộc vào chuyện tiền bạc hạn chế”. Còn ông Gunther Huber thì nhắn nhủ tha thiết: “Tôi rất mong Nguyên Nhung được tài trợ để yên tâm thi đấu quốc tế, và hoàn thành giấc mơ đại diện VN ở Olympic 2008”.
Thực tế, muốn giúp Lê Ngọc Nguyên Nhung cải thiện thứ hạng từ 99 TG lên 38 TG như mục tiêu của trung tâm Saarbrucken là đoạn đường dài và gian nan. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ tài chính, đã đến lúc đội ngũ làm chuyên môn của cầu lông VN phối hợp chặt chẽ hơn với trung tâm để cùng thống nhất lộ trình thích hợp nhất cho Nguyên Nhung phát huy tối đa năng lực của mình.
Vài dòng về Lê Ngọc Nguyên Nhung - Ngày tháng năm sinh: 12/2/1984 - VĐV đội dự tuyển TPHCM từ năm 1996 tới nay - VĐV ĐTQG tham dự các SEA Games 2001, 2003, 2005. - Thành tích: • VĐQG đơn nữ: 2003-2005; VĐQG đôi nữ 2003; HCB QG đôi nữ 2004-2006; HCB đơn nữ QG 2006; HCĐ QG đơn nữ 2002. • SEA Games: HCĐ đồng đội nữ 2001, 2003 • 2 HCB đơn nữ, 1 HCB đôi nữ ở giải quốc tế North Shore City (New Zealand), Noumea (Tân Caledonia). • 2 HCĐ đơn nữ ở giải quốc tế Robot VN, giải Romania 2007. |
THỤC OANH - (Theo Thể thao TP.HCM)