“Hiệu ứng Werther”, dịch tự sát

Bridgend nằm cách Luân Đôn hai giờ xe hơi, trong một vùng mỏ cũ của xứ Galles. Tất cả khởi đầu vào tháng 1-2007, khi Dale Crole, 18 tuổi, chết trong một nhà kho bỏ hoang cách thị trấn 10km. Tháng sau đó, người ta lại tìm thấy xác của David Dilling, 19 tuổi, bạn của anh ta trong một ngôi làng lân cận. Và cứ thế, trong vòng hai năm, 25 thiếu niên tuổi từ 15 - 28 tự sát trong cả thị trấn và vùng phụ cận. Có một điểm đặc biệt: họ đều tự treo cổ.

“Hiệu ứng Werther”, dịch tự sát ảnh 1

Thị trấn Bridgend của nước Anh

Trong vùng, tỉ lệ tự sát hàng năm đã nổi tiếng là khá cao. Nhưng chỉ trong vòng hai năm, con số đã tăng lên gấp ba lần! Dĩ nhiên, cảnh sát phải truy tìm cho ra nguyên nhân tự sát hàng loạt này. Bọn trẻ có quen biết nhau không? Điều đó có thể giải thích là khi biết bạn thân mình đã chết, một thiếu niên phải run sợ và có nguy cơ bắt chước, như một công trình nghiên cứu tại Mỹ đã chứng minh. Trong thập niên

1990, James Mercy và nhóm của ông đã thẩm vấn 153 người trong lứa tuổi 13 - 34, được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Houston, Texas, sau khi tìm cách tự sát. Họ so sánh câu trả lời của 500 cư dân trong vùng có cùng lứa tuổi. Kết quả: nguy cơ tự sát cao gấp hai lần sau khi có một người thân tự sát. Thậm chí cao gấp bảy lần, nếu sự kiện xảy ra trong thời gian dưới một năm.

Tuy nhiên, tại Bridgend, giải thích đó chưa đủ. Nếu những thiếu niên nạn nhân đầu tiên có quen biết nhau sơ sài, những người sau đó chẳng hề biết mặt nhau. Một hiện tượng khác có thể là nguyên nhân của tự sát hàng loạt: hiệu ứng Werther. Một trong những người đầu tiên đã chứng minh được là nhà xã hội học David Philips, thuộc trường Đại học California, khi nghiên cứu hiện tượng tự sát tại Hoa Kỳ và quan sát những lúc cao điểm trong nhiều tháng liền. Ông nhận thấy làn sóng tự sát luôn diễn ra theo sau cái chết đầu tiên, được đăng lên trang bìa các tờ báo. Khi các báo địa phương khai thác đề tài này càng dữ dội thì làn sóng tự sát sau đó càng mãnh liệt. Giống như truyền thông đã vô tình quảng cáo cho nó.

“Hiệu ứng Werther”, dịch tự sát ảnh 2

“Hiệu ứng Werther”, dịch tự sát ảnh 3

Năm 1994, ca sĩ Kurt Cobain tự tử. Để đề phòng “hiệu ứng Werther”, nước Mỹ phải lập ra đơn vị “chống khủng hoảng”

Mối quan hệ kỳ lạ này đã khiến nhà nghiên cứu phải ngược dòng thời gian về 200 năm trước đây. Lúc đó tại Đức, một làn sóng tự sát xuất hiện sau khi ra đời quyển sách mang tựa đề Nỗi khổ của chú bé Werther kể lại sự tuyệt vọng và tự sát của một thiếu niên. Làm sao giải thích được “hiệu ứng Werther” này? Tại sao tự sát có thể lây lan như một bệnh dịch? Theo Philips, rất đơn giản. Thái độ hủy diệt này nằm ở chỗ con người bị tác động bởi những người có hoàn cảnh giống như mình. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn đã có ý tưởng tự sát trong đầu. Bất ngờ, một người không quen biết tự giết mình, và câu chuyện của y được kể lại trên báo có vẻ như gần giống mình, ta có thể tự nhủ: đó là một giải pháp tốt...

Thoạt đầu các nhà khoa học không tin nhiều vào lý giải của Philips. Nhưng sau đó, các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng tìm ra mối liên hệ nhân quả này. Tại Anh, nhà tâm lý học Bryan Barraclough đã nghiên cứu hiện tượng tự sát trong vùng Portsmouth từ 1970 đến 1972. Lục lại báo chí những năm đó, ông phát hiện có rất nhiều người tự sát theo, ngay trong tuần lễ có bài phóng sự về một người tự kết liễu đời mình.

Từ đó, nhiều nhà khoa học cũng lao vào phân tích hiện tượng này, tại các nước: Pháp, Australia, Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ, Đức... Mỗi lần như thế họ đều đồng ý với nhau: báo chí càng mô tả chi tiết chuyện tự sát, số người chết theo càng gia tăng. Hiện tượng cũng xảy ra với đài phát thanh và truyền hình. Đáng lưu ý là không chỉ giới hạn ở người thật việc thật, mà còn lan sang lĩnh vực hư cấu. Trong thập niên 1980, trong vòng một tháng, TV Đức phát đi một truyện dài, luôn mở đầu bằng hoạt cảnh một thiếu niên lao đầu vào chiếc xe lửa. Sau đó hai tháng, số người dưới 29 tuổi tự sát đã gia tăng gấp đôi, hầu hết đều lao đầu vào xe lửa. Không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên.

Như vậy, hiệu ứng Werther không cần phải bàn cãi nữa. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (OMS) cũng chú ý vấn đề này và yêu cầu các nhà báo kể lại những vụ tự sát phải tuân theo một số quy luật. Thứ nhất: không kể lể những xúc cảm ở trang đầu tiên với hình ảnh chi tiết mô tả công cụ được sử dụng. Thứ hai: tránh giải thích hành động một cách đơn giản. Bởi vì một người phải đi đến tự sát là cả một quá trình dài những chuyện không thể giải quyết được: xung đột với gia đình, bạn bè và nghề nghiệp, nỗi buồn tình yêu, bất hạnh, stress, suy nhược. Sau cùng: không bao giờ mô tả người chết như một thánh tử đạo, cũng không xem hành động đó là giải pháp.

Những quy định này thực sự có thể đối phó với “hiệu ứng Werther”? Trường hợp tại Áo dường như chứng minh được điều đó. Giữa thập niên 1980, một làn sóng tự sát diễn ra trong xe điện ngầm của thành phố Vienne, được báo chí tiếp sức phần lớn. Khi đó Hiệp hội ngăn chặn tự sát Áo đã yêu cầu các nhà báo phải tuân thủ một số quy luật, mà hiện nay OMS đang cổ vũ áp dụng. Trong vòng năm năm sau đó, tỉ lệ tự sát trong xe điện ngầm đã giảm đến 75%. Đó là điều phải suy nghĩ về ảnh hưởng ghê gớm của báo chí.

Theo Đinh Công Thành (CATP/S.V.J)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm