Việc hoãn được thư ký Tòa Hình sự TAND Phú Yên thông báo bằng miệng cho những người liên quan ngay trước giờ mở phiên xét mà không làm thủ tục phiên tòa hay ban hành văn bản. Thẩm phán Trần Hà, Chủ tọa phiên xét, giải thích: “Đến sáng 27-5, Viện KSND Phú Yên mới thông báo bằng điện thoại là họ bận công tác đột xuất nên xin hoãn. Theo luật quy định, việc xét kháng cáo quyết định theo trình tự phúc thẩm có VKS tham gia hay không là không cần thiết. Tuy nhiên, trong trường hợp này VKS đã đề nghị tham gia nên chúng tôi phải chờ. Nếu làm thủ tục phiên tòa rồi hoãn thì hay hơn nhưng không làm cũng không sai”.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tối 19-6-2012, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an Phú Yên bắt ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường, chủ một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng, salon ô tô tại TP.HCM- với lý do cho rằng ông này bị bắt theo lệnh truy nã từ năm 2000 của Công an huyện Sông Hinh vì đã tham gia một vụ trộm cắp xe máy.
Tại hai phiên tòa vào tháng 9 và tháng 11-2012, TAND huyện Sông Hinh đều trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, củng cố chứng cứ buộc tội do ông Tường kêu oan, cho rằng mình không tham gia trộm cắp, không biết có lệnh truy nã, tên bị can trong quyết định khởi tố bị can, lệnh truy nã không đúng với tên của ông trong các giấy tờ tùy thân…
Sau hơn chín tháng bị tạm giam, ngày 25-3-2013, ông Tường được TAND huyện Sông Hinh ra quyết định cho tại ngoại. Đến đầu tháng 4-2014, TAND huyện Sông Hinh ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Tường với lý do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đó, ông Tường kháng cáo quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa quyết định của TAND huyện Sông Hinh về đình chỉ vụ án đối với ông từ lý do “hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” thành “không có sự việc phạm tội”.
TẤN LỘC