Khó kết tội “đại gia đi trộm”

Ngày 7-11, TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã mở phiên xử đối với Nguyễn Đình Vĩnh Tường bị truy tố tội trộm cắp tài sản (báo Pháp Luật TP.HCM đã từng thông tin).

Bắt sai người?

Theo hồ sơ, cuối tháng 6-2000, nhóm Tường bàn bạc, rủ nhau trộm hai xe máy đem bán được 6,8 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Tháng 11-2001, TAND huyện Sông Hinh đã phạt tù các đồng phạm của Tường. Riêng Tường, sau khi gây án đã bỏ trốn rồi bị bắt giữ vào đầu năm nay.

Ngày 21-9, TAND huyện Sông Hinh đưa Tường ra xét xử nhưng do bị cáo kêu oan, tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, củng cố chứng cứ buộc tội.

Tại phiên tòa hôm qua (7-11), Tường tiếp tục nói mình không phạm tội, không biết các bạn đi trộm cắp. Tường khai thời điểm đó, Tường đến thị trấn Hai Riêng chơi và gặp các bạn chứ không trộm gì của ai.

Khó kết tội “đại gia đi trộm” ảnh 1

Tại phiên tòa, Nguyễn Đình Vĩnh Tường một mực cho rằng mình vô tội. Ảnh: TẤN LỘC

Khi được đối chất, một người bạn của Tường thừa nhận có Tường tham gia nhưng do thời gian quá lâu nên không nhớ rõ diễn biến vụ trộm. Một người khác bảo không nhớ lúc đó có ai gọi tên Tường hay không.

Tiếp đó, Tường cho rằng thủ tục bắt giữ bị cáo có nhiều sai sót. Bị cáo không hề biết mình đang bị truy nã vì các năm qua, Tường làm thủ tục chuyển hộ khẩu, làm giấy chứng minh nhân dân, làm hồ sơ đăng ký kinh doanh, về thăm quê hương... bình thường, không ai đá động gì đến chuyện Tường bị truy nã.

Trong phần tranh luận, luật sư của Tường nêu thêm, tên của bị can trong quyết định khởi tố bị can ngày 7-11-2000 và lệnh truy nã ngày 7-12-2000 của Công an huyện Sông Hinh đều ghi là Nguyễn Vĩnh Tường. Trong khi từ nhỏ đến nay thân chủ của ông chỉ có duy nhất một tên là Nguyễn Đình Vĩnh Tường!

Không là bị can, bị cáo?

“Đến nay đã 12 năm nhưng quyết định khởi tố bị can chưa được VKS phê chuẩn mà cơ quan tố tụng vẫn quyết định bắt người rồi truy tố, xét xử là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Lệnh truy nã cũng không được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, đến giờ thân chủ của tôi không phải là bị can, bị cáo cũng như không có chuyện trốn lệnh truy nã” - luật sư của Tường khẳng định.

Tiếp đó, luật sư lập luận: “Lệnh truy nã không đúng tên. Mặt khác, nếu Tường có phạm tội thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ năm năm do đây là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Đến nay đã 12 năm, thời hiệu đã hết”.

Lúc đầu, công tố viên không tranh luận những nội dung này, chỉ tập trung phân tích lời khai của các đồng phạm để khẳng định Tường phạm tội. Khi chủ tọa nhắc nhở phải tranh luận vì sao VKS không có quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, công tố viên mới thừa nhận có thiếu sót về mặt thủ tục. Sau đó, công tố viên nói: “Điều này không cần thiết”.

Lập luận này của công tố viên không được luật sư đồng ý vì muốn truy cứu trách nhiệm hình sự một ai thì phải làm đúng trình tự thủ tục mà pháp luật quy định. Quyết định khởi tố chưa được phê chuẩn thì chưa thể tiến hành các thủ tục tiếp theo. Cuối cùng, đáp lại đề nghị của công tố viên phạt Tường 36-42 tháng tù, luật sư đề nghị tòa tuyên Tường không phạm tội...

Sau đó, HĐXX thông báo do vụ án phức tạp nên quyết định nghị án kéo dài.

Bị bắt khi đang là doanh nhân

Sau khi cha mẹ Tường lần lượt qua đời, ba anh em Tường tự đi tìm kế sinh nhai. Năm 2000, Tường vào TP.HCM và nhanh chóng trở thành một doanh nhân có nhiều cơ sở kinh doanh. Khi bị bắt, Tường đang là giám đốc Công ty TNHH Giai Điệu, chủ của hai nhà hàng lớn là Giai Điệu và Phong Thành, đồng sở hữu một salon ô tô. Hằng ngày Tường đi làm bằng ô tô và luôn có vệ sĩ đi kèm...

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm