Buổi chuyên đề do ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, làm báo cáo viên.
Buổi chuyên đề bắt đầu nóng lên từ ý kiến của một phụ huynh. Lớp của con gái chị mới vừa xảy ra chuyện như vầy: Trong giờ ra chơi, có ba nam, một nữ ngồi chơi oẳn tù tì với nhau. Luật chơi là mỗi lần thua thì người đó phải cởi một cái cúc áo. Bạn gái thua, cởi nút đầu tiên rồi bỏ chạy. Chỉ còn ba bạn nam chơi với nhau, có bạn nam cởi hết cúc áo đành phải… cởi cúc quần. Bạn A. trong lớp thấy vậy nên ghi việc này vào sổ đầu bài. Nhóm bạn này đến nói chuyện với A. là phải xóa nội dung đó trong sổ đầu bài đi, nếu không sẽ kêu xã hội đen xử. Bị dọa liên tục nên đến ngày thứ ba, A. sợ quá xin nghỉ học vì bệnh. Ba của A. gợi hỏi ra chuyện và báo cho cô chủ nhiệm. Cô chủ nhiệm họp phụ huynh của các em lại thông báo chuyện này, sau đó yêu cầu bốn em lên bàn đầu ngồi và thông báo cho các giáo viên bộ môn lưu ý bốn em trong vòng một tuần. “Chuyện mời các em lên ngồi bàn đầu như vậy có nên không?” - phụ huynh này hỏi.
Ông Ngô Minh Uy cho rằng thật ra đây chỉ là trò chơi nghịch ngợm của tuổi học trò, việc kêu các em lên ngồi bàn đầu là đã dán cho các em một cái nhãn rằng các em là người xấu, đó là cách làm phản giáo dục. Đáng ra bốn đứa trẻ đó cần được giáo dục bằng cách chỉ ra cho các em cái nào đúng cái nào sai, trò chơi thì nên dừng ở mức độ nào. Nhà trường vội vàng mời phụ huynh các em là không nên. Hầu hết các phụ huynh được mời đến là để “mắng vốn”. Việc làm này có thể gây nguy hiểm cho học sinh bởi có những phụ huynh không đủ kiến thức để xử lý tình huống, có thể họ sẽ về nhà đánh con vì cho rằng đã làm mất mặt mình, các em có thể bị cha mẹ đánh vì đã làm mất mặt mình.
T. MẬN ghi