Du lịch Việt Nam tăng bốn bậc có vội mừng?

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019.  Báo cáo đưa ra đánh giá và xếp hạng 140 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 14 nhóm chỉ số thang điểm từ 1 đến 7 với 90 chỉ số, thành phần được xếp theo bốn yếu tố: môi trường hoạt động; chính sách và điều kiện phát triển du lịch; cơ sở hạ tầng; tài nguyên văn hóa và tự nhiên.

Kết quả cho thấy chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng bốn bậc từ hạng 67 lên 63/140 quốc gia, chỉ xếp sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi Thái Lan tăng ba bậc, Campuchia tăng ba bậc, Singapore giảm bốn bậc, Lào giảm bốn bậc, Malaysia giảm ba bậc… cho thấy vị trí của du lịch Việt Nam tăng đáng kể so với các quốc gia trên.

Đáng chú ý, nằm trong yếu tố chính sách và điều kiện hỗ trợ thì mức độ mở cửa quốc tế của du lịch Việt Nam xếp hạng 58, tăng 15 bậc. Có được kết quả này chủ yếu do chỉ số yêu cầu thị thực của Việt Nam đã cải thiện từ 116 tăng lên 53.

Tuy nhiên, nếu so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á chỉ số về thị thực của Việt Nam mới cao hơn Philippines hạng 65, xếp  dưới Indonesia, Capumchia; Lào, Thái Lan, Singapore...

Hội An là điểm đến được du khách ưa thích

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel, ngành du lịch hân hoan với kết quả tăng 4 bậc. Tuy nhiên, có vài số liệu nên nhìn lại. Ví dụ năm 2017 du lịch Việt Nam đón 7,9 triệu khách, tổng thu 17,3 tỷ  USD. Sang năm 2018 đón 12,9 triệu khách nhưng tổng thu chỉ có 8,8 tỷ USD. Chi tiêu trung bình của du khách tại Việt Nam đang từ 925 USD giảm còn 532 USD. Đóng góp của ngành du lịch trong GDP giảm từ 6,6% giảm xuống còn 6%.

“Ngành du lịch Việt Nam xác định mũi nhọn thu được 8,8 tỉ USD nhưng so với một số ngành không được gọi là mũi nhọn như gỗ năm 2018 xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD. Với chỉ số cạnh tranh như vậy, du lịch chúng ta phải đánh giá lại mình" ông Kỳ nói.

Việt Nam xác định có ba ngành mũi nhọn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin. Du lịch được tập trung đầu tư khá tốt vào hạ tầng đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng nở rộ khắp cả nước.

"Tôi cho rằng bất động sản du lịch khiến nhiều nơi thừa chỗ ngủ thiếu chỗ chơi. Trong các tiêu chí đánh giá có ba tiêu chí tăng và ba tiêu chí giảm. Trong đó có những tiêu chí rất quan trọng bị giảm là ưu tiên của Chính phủ trong đầu tư phát triển ngành du lịch cho thấy chính sách của Việt Nam cho ngành du lịch chưa ổn… chúng ta chưa chi tiêu gì cho xúc tiến du lịch", ông Kỳ nhận xét.

Ông Kỳ dẫn chứng, chẳng hạn quỹ hỗ trợ phát triển du lịch với vốn điều lệ 300 tỷ đồng đến nay vẫn còn nguyên; kinh phí xúc tiến quốc gia của Việt Nam 2 triệu USD/năm thì sẽ không đủ để làm gì.

Nhân lực và thị trường lao động của Việt Nam là yếu tố cực kỳ quan trọng phát triển du lịch nhưng chất lượng chưa cao. Nhân lực du lịch qua đào tạo thiếu trầm trọng. Đào tạo đại học nhiều nhưng đào tạo nghề quá ít dẫn đến chất lượng du lịch giảm. 

“Muốn đầu tư phát triển du lịch cần có chính sách cho nó. Từ chính sách cần nhìn nhận hai chiều. Chúng ta đừng cho mình là mũi nhọn mà ngồi chờ bắt Chính phủ phải quan tâm. Bản thân chúng ta phải năng động hơn nữa, thay đổi tư duy, cách tiếp cận để tiếp cận tốt hơn với chính phủ, người làm chính sách, để mong muốn của chúng ta thành hiện thực. Nếu không vĩnh viễn chỉ là ước mơ”, ông Kỳ chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm