Thị trường ô tô ảm đạm giữa mùa cao điểm cuối năm

Nhiều người tiêu dùng có ý định mua ô tô đón nhận tin không vui khi từ ngày 1-1-2021, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020 sẽ không còn được áp dụng. Điều này có nghĩa là khi đăng ký lưu hành một chiếc xe mới, người mua xe sẽ phải chi thêm từ 40 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. 
Lác đác khách đi mua ô tô đầu năm
Khác với mọi năm, những ngày đầu năm 2021, thị trường ô tô trầm lắng hơn, khách đi mua xe giảm khá mạnh so với những tháng trước đó. 
Trong vai khách hàng, chúng tôi hỏi mua xe tại một đại lý ô tô Toyota ở quận 12, TP.HCM. Nhân viên bán xe ở đây thông tin từ đầu năm 2021, khi chính sách giảm phí trước bạ hết hiệu lực thì hầu hết các đại lý của Toyota cũng không còn áp dụng nữa. Lượng khách mua xe theo đó cũng giảm hơn so với mấy tháng cuối năm 2020. 
“Tuy nhiên, phía đại lý sẽ tặng hai năm bảo hiểm thân vỏ, tặng gói bảo dưỡng 20.000 km hoặc một năm, tùy mẫu xe để thu hút khách hàng” - nhân viên này tư vấn. 
Ghé đại lý Ford trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình, TP.HCM), chúng tôi thấy chỉ có một số khách đến để chăm sóc và bảo dưỡng xe, còn khách hàng đến mua xe rất ít. Khuôn viên đại lý cũng chỉ trưng bày ba mẫu xe gồm Ranger, Everest và Tourneo. Hầu hết mẫu xe tại đây đều không có chương trình ưu đãi mà chỉ tặng một vài món phụ kiện nhỏ như bọc vô lăng, trải sàn. 
Nhân viên bán hàng tại đại lý này chia sẻ thời điểm cuối năm, lượng ô tô nhập khẩu về rất ít nên không có hàng để trưng bày. Đại lý không dám nhận tiền đặt cọc của khách vì có thể không có xe để giao. “Mẫu xe Ford Ranger lăn bánh giá khoảng 750 triệu đồng, song tới đây mức giá có thể sẽ tăng lên” - nhân viên này nói thêm. 
Tương tự như vậy, một số đại lý Hyundai trên địa bàn TP.HCM cũng không có nhiều chương trình ưu đãi dành cho các mẫu xe. Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Đại lý Hyundai Gia Định, nhìn nhận tất cả hãng xe đều bán rất chậm. Lý do là những người có ý định mua xe đã đặt mua từ tháng 11 và 12-2020 để được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Còn từ đầu năm 2021, khi chính sách trên không còn, khách hàng có tâm lý chờ đợi, đắn đo. 
“Hiện tại đại lý chỉ thực hiện ưu đãi hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ dành riêng cho khách hàng mua xe Hyundai SantaFe. Còn các dòng xe khác không ưu đãi nhiều, ví dụ như Hyundai Elantra giảm 10-12 triệu đồng, Kona chỉ có một số quà tặng kèm theo” - ông Quang cho biết thêm. 
Khác với các hãng xe khác, VinFast vẫn tiếp tục gia hạn chương trình “Trước bạ 0 đồng” cho hai dòng xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 đến hết ngày 28-2. Theo đó, khoản hỗ trợ tương đương 100% lệ phí trước bạ sẽ được trừ trực tiếp vào giá bán.

Hơn 296.000 ô tô đã được tiêu thụ trong năm 2020. Ảnh: QUANG HUY

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam tính đến hết tháng 12-2020 đạt hơn 296.000 chiếc, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt hơn 187.000 chiếc, giảm 1%, trong khi xe nhập khẩu doanh số đạt trên 109.000 chiếc, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.  
Giá sẽ giảm từ giữa năm
Một số chuyên gia, hãng ô tô cho rằng sở dĩ giai đoạn cuối năm 2020 thị trường ô tô trong nước phục hồi mạnh mẽ là nhờ được giảm phí trước bạ. Nhưng năm 2021, hiệu lực của chính sách trên kết thúc, xe lắp ráp trong nước sẽ mất lợi thế trước xe nhập khẩu. 
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho rằng sở dĩ hiện nay ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn có giá bán cao hơn xe nhập khẩu do chi phí sản xuất ô tô tại nước ta cao hơn khoảng 20% so với nước ngoài. 
Trước đây, khi xe nhập khẩu từ khu vực các nước ASEAN chịu thuế suất khoảng 30% thì xe lắp ráp trong nước rẻ hơn nhưng từ khi thuế nhập khẩu về 0%, xe nhập khẩu lại rẻ hơn xe lắp ráp trong nước. Điều này làm giảm tính cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu. 
Ngoài ra, hiện nay ô tô nhập khẩu từ châu Âu đang chịu thuế suất 70%. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, nước ta cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực này với mức bình quân khoảng 7% và sau 10 năm sẽ về 0%. Như vậy, xe châu Âu có thể tăng sức cạnh tranh tại thị trường nước ta .
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng để cạnh tranh với xe nhập khẩu thì xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải tự mình tạo ra ưu thế về chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, các hãng xe trong nước có thể tặng thêm gói bảo hành, bảo dưỡng từ sáu tháng đến một năm, hoặc nhiều gói dịch vụ hậu mãi không tính phí khác…
“Qua đó để khách hàng nhận thấy mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có nhiều quyền lợi và được chăm sóc tốt hơn, tiết kiệm chi phí hơn” - ông Đồng nói.

Nguồn cung xe bắt đầu giảm

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc hệ thống đại lý kinh doanh ô tô Hiền Toyota (TP.HCM), cho rằng việc dừng chính sách giảm phí trước bạ khiến thị trường cũng bị ảnh hưởng phần nào, vì đây là chính sách kích cầu thu hút người mua xe. 

Đáng chú ý, hiện nguồn cung xe nhập khẩu lẫn sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 1-2021 bắt đầu giảm. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chưa được kiểm soát tốt ở các nước trên thế giới dẫn đến nguồn linh kiện, phụ tùng lẫn lượng xe nhập khẩu về Việt Nam giảm sút. 

 “Như vậy, có thể từ nay đến giữa năm 2021, các đại lý sẽ không giảm giá xe do nguồn cung xe giảm. Tuy nhiên, từ tháng 6 và tháng 7-2021, khi nguồn cung xe nhập lẫn xe trong nước tăng trở lại thì giá xe sẽ được giảm và nhiều chính sách bán hàng tốt sẽ được tung ra có lợi cho người mua xe” - bà Hiền phân tích. 

Sợ tạo cạnh tranh không công bằng

Bộ Tài chính cho rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Đồng thời, trong quá trình thực hiện chủ trương trên, đại sứ quán một số nước như Indonesia, Thái Lan và Eurocham có ý kiến về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Vì vậy, bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng chính sách giảm 50% phí trước bạ từ ngày 1-1-2021. 


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.