Giá dầu Brent đã leo lên 139 USD/thùng, còn dầu WTI là 125 USD/thùng vào ngày 7-3, do diễn biến căng thẳng chiến sự ở Ukraine và hệ quả các biện pháp Mỹ và phương Tây cấm vận Nga. Đây là mức cao nhất kể từ 2008.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn đang lỗ nặng vì giá trong nước không theo kịp giá thế giới. Ảnh: AH
Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cho hay, hiện tại doanh nghiệp đang chịu lỗ từ 3.000-5.000 đồng/lít xăng, dầu theo mức giá ngày 1-3. Dù đã dự báo nhu cầu, chuẩn bị lượng hàng đủ bán cho kỳ điều hành 10 ngày tiếp theo, nhưng nếu lỗ nặng như vậy thì hệ thống thương mại, bán lẻ có nguy cơ cao rơi vào đình trệ.
"Hệ thống bán lẻ của tôi cố gắng cầm cự, nhưng các đơn vị, hệ thống khác, khả năng tái diễn tình trạng cửa hàng xăng, dầu đóng cửa như thời gian vừa qua là rất lớn" - đại diện doanh nghiệp này nói.
Trước diễn biến bất lợi đang còn kéo dài, doanh nghiệp này kiến nghị, cơ quan điều hành cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cho phù hợp với diễn biến thị trường thế giới, không nhất thiết đợi đến ngày 11-3.
Trao đổi với PLO, bên cạnh đề nghị rút ngắn thời hạn điều hành giá, các doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ giảm mạnh thuế bảo vệ môi trường. Họ cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính, giảm thuế ở mức 1.000 đồng/lít xăng là quá thấp. Để đủ sức kìm giá nhiên liệu trong nước, cần giảm ít nhất 2.000 đồng/lít.
Theo quy định hiện hành, kỳ điều hành giá xăng dầu được thực hiện ở các ngày 1, 11, 21 mỗi tháng. Trường hợp đặc biệt, liên ngành điều hành có thể đề xuất và thực hiện sớm hơn.
PLO đã phản ánh ý kiến của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu với lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), và được phản hồi là liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn đang theo dõi sát tình hình để điều hành đảm bảo đúng quy định, và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân.