Vì sao chưa ai được vay gói hỗ trợ trả lương 16.000 tỉ đồng?

 “Tính đến ngày 22-6, các địa phương trên cả nước đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 15,8 triệu người, với tổng kinh phí là 17,5 nghìn tỉ đồng…”- Bộ LĐ-TB&XH khẳng định như trên trong báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Số đối tượng thụ hưởng chính sách còn ít

Theo Bộ LĐ-TB&XH, báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, cho biết đã thực hiện giải ngân tiền hỗ trợ trên 11.200 tỉ đồng, cho hơn 11 triệu người và 4.341 hộ kinh doanh.

Trong đó, có gần 11 triệu người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí là trên 11.000 tỉ đồng.

Với đối tượng người lao động (nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, bị chấm dứt hợp đồng lao động…), Chính phủ đã hỗ trợ 88.715 người, với kinh phí là 93,352 tỉ đồng. Trong đó, lao động tự do được hỗ trợ là 67.837 người, với số tiền hơn 67 tỉ đồng.

Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo báo cáo ngày 23-6 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), số lượng hộ kinh doanh do UBND cấp xã gửi Chi cục thuế đề nghị thẩm định là 30.964 hộ. Chi cục Thuế đã thực hiện thẩm định 27.945 hộ, và đồng ý hỗ trợ 22.908 hộ. Đến nay đã có 4.341 hộ kinh doanh được nhận hỗ trợ, với số tiền trên 4,3 tỉ đồng...

Bộ LĐ-TB&XH nhận định đến thời điểm hiện tại các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách còn ít.

Thứ trưởng, Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, cho rằng nguyên nhân do thời điểm xây dựng chính sách, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số lượng bị ảnh hưởng nhiều. Đến cuối tháng 5, dịch sớm được kiểm soát nên số lượng lao động mất việc làm, ngừng việc tiếp cận gói hỗ trợ khá ít.

Cạnh đó, mục đích của việc hỗ trợ là đối tượng giảm sâu thu nhập, tránh hỗ trợ tràn lan, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách nên các tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ…

Hơn nữa, trong thực tế các doanh nghiệp còn vốn duy trì, nên vẫn bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động, đồng thời doanh nghiệp vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động.

“Ngoài ra, doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ do phải chứng minh tài chính nên họ e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động…”- ông Lê Quân lý giải.

Chờ Chính phủ quyết định

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, theo Bộ LĐ-TB&XH các doanh nghiệp trong nước đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ. Cạnh đó, theo phản ánh của nhiều địa phương, chính sách hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động (lãi suất 0%/năm) đang có vướng mắc liên quan đến việc khó xác định tài chính theo quy định tại khoản 2, Điều 13, Quyết định số 15/2020. Nên hiện nay chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay này.

Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa khoản 2, điều 13 Quyết định số 15/2020 theo hướng giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính của người sử dụng lao động. Từ đó, giúp người sử dụng lao động tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng (16.000 tỉ đồng) để trả lương ngừng việc cho người lao động.

“Đặc biệt, giúp người lao động giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giúp người sử dụng lao động nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh…”- Thứ trưởng Lê Quân cho hay.

Hiện nay chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được vốn vay trả lương cho người lao động. Ảnh minh họa: V.LONG

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Thủ tướng sửa khoản 2, điều 13 về việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động như sau: “Doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”. Thay vì quy định như trước đây là doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc, mới được vay tiền. Hiện đề xuất này đang chờ Thủ tướng quyết định.

Tuy nhiên với quy định này, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cân nhắc giữ lại nội dung “đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc”, để tránh lạm dụng chính sách.

“Tuy nhiên Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy đây là khoản vay để hỗ trợ trả lương, kinh phí vay sẽ được chuyển trả trực tiếp cho người lao động, không qua doanh nghiệp nên không có khả năng phát sinh sử dụng vốn vay sai mục đích…”- Thứ trưởng Lê Quân lý giải.

Bảy nhóm đối tượng được hỗ trợ theo nghị quyết Chính phủ

Ngày 9-4, Thủ tướng ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỉ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc bảy nhóm đối tượng thụ hưởng.

 1.488 doanh nghiệp được hoãn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 22-6, có 1.488 doanh nghiệp được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 124.668 người lao động, với tổng kinh phí gần 447,7 tỉ đồng.

 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm