Mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Hà Nội lên kế hoạch rất chi tiết để thu hút thí sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, tất cả các sinh viên hệ chính quy sẽ có cơ hội học ngành thứ hai nếu kết quả học tập của năm trước đạt từ 7 điểm trở lên. Ngành thứ hai có thể là ngoại ngữ hoặc một trong 6 chuyên ngành quản trị kinh doanh, du lịch, quốc tế học, công nghệ thông tin, tài chính-ngân hàng, kế toán dạy bằng tiếng Anh.
Cơ hội tốt nghiệp hai bằng
Cũng như Trường ĐH Hà Nội, sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội sau năm học thứ nhất, nếu có nguyện vọng sẽ được đăng ký học thêm chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị trong ĐH này để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng ĐH chính quy.
Ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh năm 2011, sinh viên các ngành khí tượng học, thủy văn học, hải dương học có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ; sinh viên các ngành vật lý, khoa học vật liệu, công nghệ hạt nhân có cơ hội học thêm ngành thứ hai là công nghệ điện tử - viễn thông của Trường ĐH Công nghệ.
Sinh viên ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên có cơ hội học thêm ngành thứ hai là kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế. Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ có cơ hội học thêm các ngành thứ hai như kinh tế đối ngoại, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế hoặc ngành du lịch học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, luật học của Khoa Luật…
“Vớt” bằng điểm theo ngành
Cũng nhằm thu hút thí sinh, nhiều trường ĐH tốp trên xây dựng các phương án điểm trúng tuyển kết hợp với điểm sàn để không bỏ sót người tài. Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương… đều có quy định thí sinh đủ điểm sàn vào trường nhưng không đủ điểm tuyển vào ngành đã đăng ký thì được đăng ký vào ngành còn chỉ tiêu.
Năm nay, Khoa Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ giảm 3 điểm cho thí sinh thi vào chuyên ngành kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ví dụ, nếu điểm sàn trúng tuyển của trường là 22 thì thí sinh chỉ cần đạt 19 điểm đã đủ tiêu chuẩn trúng tuyển, chưa cộng các chế độ ưu tiên khác như khu vực, con thương binh, liệt sĩ…
Ngoài ra, điểm mới nữa là khi đã đậu vào Khoa Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, bắt đầu từ năm học thứ hai, sinh viên có thể nộp hồ sơ học song song bất cứ chuyên ngành nào của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cùng khối thi.
Miễn học phí, tặng học bổng
Năm 2011, rất nhiều trường ĐH ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu và bị Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu các trường công lập khát thí sinh một thì các trường ngoài công lập khát mười.
Để thu hút sự quan tâm của thí sinh, Trường ĐH dân lập Hải Phòng vừa công bố miễn học phí cho thí sinh đạt điểm cao trong mùa tuyển sinh năm 2011. Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng cho biết cùng với chính sách cho sinh viên vay ưu đãi, năm nay, trường sẽ trao 400 học bổng Nguyễn Văn Đạo cho 400 học sinh xuất sắc nhất ở 100 trường THPT hàng đầu cả nước.
Một trường dân lập khác là ĐH dân lập Phương Đông cũng có các học bổng trị giá 8 triệu đồng và 18 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Vẫn tuyển ngoài ngân sách
Dù nhiều trường ĐH dân lập, tư thục đã kiến nghị Bộ GD-ĐT không cho các trường ĐH tốp trên tuyển sinh ngoài ngân sách vì đây là cuộc chơi không công bằng đối với các trường tốp giữa, tốp dưới nhưng năm nay, các trường tốp trên vẫn công bố tuyển hàng ngàn chỉ tiêu hệ này.
Đơn cử: Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội dự kiến sẽ xét tuyển khoảng 300 chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển 150 chỉ tiêu ĐH và 50 chỉ tiêu CĐ. Học viện Tài chính tuyển khoảng 200 - 300 chỉ tiêu, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đào tạo theo địa chỉ 200 chỉ tiêu. Ở phía Nam, Trường ĐH Y Dược TPHCM dự kiến có tới 500 chỉ tiêu ngoài ngân sách, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có 450 chỉ tiêu...
