Làm gì để phòng ngừa móc túi, sàm sỡ trên xe buýt?

(PLO)- Người đi xe buýt cần chủ động phòng chống, xóa bỏ các điều kiện có thể xảy ra tình trạng móc túi, sàm sỡ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 27-8, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Thông tin về Giao thông công cộng bằng phương tiện xe buýt” cho sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải.

Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền hoạt động giao thông công cộng cho sinh viên trên địa bàn TP.

Hơn 200 sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải tham gia chương trình Thông tin về giao thông công cộng bằng xe buýt. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hơn 200 sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải tham gia chương trình Thông tin về giao thông công cộng bằng xe buýt. Ảnh: ĐÀO TRANG

Chương trình đã thu hút 200 sinh viên tham gia. Tại đây, các sinh viên ngành giao thông đã được tiếp cận và có cái nhìn toàn diện hơn về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói riêng và giao thông công cộng nói chung.

Đặc biệt, Trung tâm cũng đã mời Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy Cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM để chia sẻ về những giải pháp phòng chống tội phạm, đặc biệt là khi đi xe buýt.

Trung tá Huy cho biết TP.HCM một năm xảy ra trên 3.000 vụ đủ để khởi tố hình sự, như vậy mỗi ngày có tới 10 vụ/ngày. Vì vậy, việc chủ động phòng chống tội phạm là vô cùng cần thiết, bao gồm kỹ năng, kỹ thuật phòng chống nó.

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy – Cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM chia sẻ về các giải pháp phòng chống tội phạm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy Cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM chia sẻ về các giải pháp phòng chống tội phạm. Ảnh: ĐÀO TRANG

“Chúng ta cần xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh ra tội phạm. Đơn cử như việc bỏ xe trước cửa nhà, không khóa và không bảo vệ tài sản của mình cũng đã tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động” – Trung tá Huy nói.

Tương tự, để đối phó với đội móc túi trên xe buýt, hành khách cần để túi xách và balo lên phía trước. Đi xe buýt tránh bị sàm sỡ thì cần ăn mặc phù hợp, không hở hang tránh tạo điều kiện cho người có ý đồ.

Tại sao chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt?

Bạn Thảo - sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải hỏi: "Tại sao TP chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt để người dân đi lại thuận tiện hơn".

Ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng, song hiện nay chưa có đường dành riêng hay ưu tiên cho xe buýt. Nhiều nước trên thế giới đã tập trung phát triển làn đường dành riêng cho xe buýt.

TP cũng đã nghiên cứu tuyến đường dành riêng trên đường Mai Chí Thọ, song cũng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thể triển khai được. Hiện Ngân hàng thế giới đang tài trợ cho TP để nghiên cứu, xây dựng mạng lưới xe buýt nhanh... giúp xe chạy đúng giờ, người dân đi thuận tiện hơn.

Tại chương trình, Trung tâm đã tuyên truyền, khuyến khích sinh viên sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, chương trình còn thông tin về thẻ vé điện tử, khuyến khích sinh viên sử dụng ứng dụng Go!Bus để lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp. Mặt khác, từ ứng dụng có thể cung cấp thông tin về cơ quan quản lý, từ đó nâng cao công tác quản lý và điều hành giao thông trên địa bàn TP.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng cũng cho biết sẽ tiếp tục tiếp cận ý kiến của hành khách để cải thiện chất lượng và dịch vụ giúp hoạt động xe buýt ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu cho người sử dụng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trên địa bàn TP có thể dễ dàng tiếp cận với mạng lưới giao thông công cộng.

Hiện TP.HCM có 128 tuyến xe buýt gồm 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá.

Đi xe buýt không cần tiền mặt

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa công bố mở rộng hệ thống thanh toán EMV Open-loop trên xe buýt. Mô hình này cho phép hành khách sử dụng phương tiện thanh toán sẵn có như thẻ ngân hàng hay ví điện tử để thanh toán vé xe buýt.

Với hệ thống thanh toán mới này, hành khách không cần phải làm thêm thẻ vé dành riêng cho hệ thống xe buýt như trước đây. Đặc biệt, người nước ngoài cũng dễ dàng đi lại bằng xe buýt, thanh toán bằng thẻ tự động quốc tế.

Tương tự, sinh viên cũng được hưởng giá vé ưu đãi và chỉ cần đăng ký với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Từ đó, sẽ giảm giá vé trực tiếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm