Ngày 17-5, trong chương trình Báo cáo chất lượng hằng tuần, đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã phát thiên phóng sự điều tra về dược phẩm bị làm giá.
Một bệnh nhân nữ họ Hàn ở TP Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) mắc bệnh u buồng trứng đã đến Bệnh viện số 2 Tương Nhã để điều trị hóa học. Bác sĩ khuyên dùng thuốc LuSun (Lô Duẩn) với giá mỗi lọ 213 nhân dân tệ (590.000 đồng VN). Sau khi mất rất nhiều tiền mua thuốc, cô bị sốc khi biết giá bán buôn của mỗi lọ thuốc Lô Duẩn chỉ có 30 nhân dân tệ (82.500 đồng VN).
Giải thích về việc này, dược sĩ Châu Hồng là người phụ trách mua dược phẩm của Bệnh viện số 2 Tương Nhã cho biết thuốc Lô Duẩn có giá thầu là 185,22 nhân dân tệ (510.000 đồng VN) mỗi lọ và bệnh viện chỉ cộng thêm 15% theo quy định.
Biếm họa của trang web PHƯƠNG BẮC (Trung Quốc)
Thực tế không phải như vậy! Phóng viên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã vạch ra con đường tăng giá thuốc như sau: Nhà máy cung cấp thuốc Lô Duẩn cho các công ty kinh doanh với giá 15,5 nhân dân tệ (43.000 đồng VN). Các công ty bán lại cho các đại lý bán buôn với giá 30 nhân dân tệ. Khi đến bệnh viện, giá đã tăng 136 nhân dân tệ (374.000 đồng VN) và thuốc tăng lên 213 nhân dân tệ khi đến tay bệnh nhân.
Ông Vương Vệ Quân, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Cổ phần ngành dược Xuyên Đại Hoa Tây (tỉnh Hồ Nam), phanh phui: Mỗi tháng Bệnh viện số 2 Tương Nhã tiêu thụ ít nhất 1.100 lọ thuốc Lô Duẩn. Như vậy mỗi tháng bệnh viện thu lợi phải hơn 100.000 nhân dân tệ. Khoản tiền này được phân chia từ công ty kinh doanh dược phẩm, nhà thuốc bệnh viện cho đến bác sĩ, trong đó bác sĩ kê đơn được chia nhiều nhất 80 nhân dân tệ mỗi lọ.
Hội trưởng Hiệp hội Quản lý ngành dược y tế Trung Quốc Vu Minh Đức cho rằng giá thuốc trong bệnh viện cao ngất ngưởng là do chỉ đạo định giá trong đấu thầu dược phẩm quá cao.
Theo các chuyên gia trong ngành y tế, thuốc Lô Duẩn chỉ là dược phẩm lâm sàng và cũng chỉ có bệnh viện tiêu thụ, do đó bệnh nhân chỉ có thể mua thuốc tại bệnh viện.
Tại Trung Quốc, bệnh viện được chia thành ba cấp 1, 2, 3 tương ứng với quy mô từ nhỏ tới lớn. Trong mỗi cấp lại phân thành ba loại A, B, C. 80% dược phẩm được tiêu thụ trong các bệnh viện. Bệnh nhân dùng loại thuốc của nhà sản xuất nào đều do bác sĩ quyết định. |
Cục Vật giá tỉnh Hồ Nam giải thích theo quy định, dược phẩm cung cấp cho các bệnh viện công lập bắt buộc phải qua đấu thầu. Thuốc Lô Duẩn chưa từng tham gia đấu thầu tập trung do tỉnh Hồ Nam tổ chức, vì vậy không thể tiêu thụ trong bệnh viện công lập. Cục Vật giá tỉnh sẽ tiến hành điều tra vụ này.
HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã, Pháp Luật nhật báo)