Hải quân Mỹ ngày 17-6 công bố một số hình ảnh mới chụp sau khi xảy ra vụ hai tàu dầu thương mại bị tấn công ở Vịnh Oman hồi tuần trước, hãng Sputnik đưa tin.
Theo Sputnik, các hình ảnh mới cũng cùng bối cảnh với các hình ảnh trong video trắng đen chất lượng thấp mà quân đội Mỹ công bố trước đó. Tuy nhiên, các hình ảnh này là hình màu, rõ hơn, có vẻ là hình chụp lại từ các thước phim quay sự cố tàu dầu bị tấn công.
Hình ảnh cho thấy một xuồng máy được cho của Iran tiếp cận tàu dầu từ mạn phải. Ảnh: REUTERS
Các hình ảnh cho thấy một xuồng máy tốc độ cao được cho của Iran tiếp cận tàu dầu Kokuka Courageous của Nhật từ phía mạn phải và gỡ một vật mà Mỹ cho rằng đó là một quả mìn buộc ở thân tàu này. Một số hình ảnh khác chụp một cái lỗ được cho là trên thân tàu dầu Kokuka Courageous và dấu bàn tay một người được cho đã gỡ quả mìn. Theo Mỹ, các hình ảnh này chứng minh Iran đứng đằng sau vụ tấn công.
Trước các hình ảnh này, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một video đen trắng chứng minh Iran đứng đằng sau vụ tấn công hai tàu dầu. Video cho thấy nhiều thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang gỡ một vật mà Mỹ cho là một quả mìn buộc ở một bên thân tàu Kokuka Courageous - một trong hai tàu dầu bị tấn công.
Xuồng máy tuần tra của Iran gần nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: REUTERS
Đoạn video quay cảnh một xuồng máy tuần tra được cho của Iran tiếp cận tàu dầu Kokuka Courageous trước khi một trong các thành viên trên tàu gỡ một vật thể từ thân tàu dầu này.
“Vào lúc 4 giờ 10 giờ địa phương, một tàu tuần tra lớp Gashti của IRGC đã tiếp cận tàu M/T Kokuka Courageous và bị quan sát và ghi hình đã gỡ một quả mìn chưa phát nổ buộc dưới thân tàu M/T Kokuka Courageous”, Sputnik dẫn tuyên bố của Đại tá Hải quân Bill Urban – người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Miền Trung của Mỹ (CENTCOM) - vào thời điểm Mỹ công bố video.
Hình ảnh chụp một cái lỗ trên thân tàu dầu Kokuka Courageous (trái) và các thành viên IRGC đang tiếp cận thân tàu dầu này (phải). Ảnh: REUTERS
Theo Sputnik, chất lượng video không đủ để thẩm tra độc lập cáo buộc của CENTCOM. Nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Đức cũng nói cần có thêm bằng chứng nữa mới có thể kết luận Iran có phải là thủ phạm hay không.
Iran khẳng định mình không có hành động phá hoại nào trong sự cố 2 tàu dầu bị tấn công, và tàu Iran chỉ tiếp cận các tàu này để cứu hộ khi vụ việc xảy ra gần lãnh hải của mình.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng có thể chính Mỹ đã thực hiện vụ này để qua đó “phá hoại ngoại giao” và che đậy hành động “khủng bố kinh tế” của chính mình chống lại Iran.
Dấu bàn tay trên thân tàu dầu Kokuka Courageous. Ảnh: REUTERS
Hai tàu dầu Kokuka Courageous (của Nhật) và Front Altair (của NaUy) bị tấn công khi đang di chuyển qua Vịnh Oman ngày 13-6, khiến hai tàu phát nổ và bốc cháy. Mỹ cáo buộc Iran gây ra vụ việc này.
Một tháng trước sự cố ngày 13-6 cũng xảy ra việc 4 tàu dầu thương mại bị tấn công bên ngoài bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Iran cũng bị Mỹ cáo buộc là thủ phạm trong vụ này, và dĩ nhiên Iran phủ nhận.
Mỹ thời gian gần đây tăng cường quân và khí tài, vũ khí quân sự đến gần Iran. Ngoài đội tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln, Mỹ còn gửi một số máy bay ném bom chiến lược B-52, một đơn vị tên lửa phòng thủ Patriot và 1.500 quân đến gần Iran.
Vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng công bố các hình ảnh mới về sự cố hai tàu dầu bị tấn công, quyền chủ nhân Lầu Năm Góc Patrick Shanahan thông báo sẽ gửi thêm 1.000 quân đến Trung Đông vì có tin “tình báo đáng tin cậy” chứng minh “thái độ thù địch” của Iran.