Ngày 18-8, Báo Tuổi trẻ tổ chức tọa đàm chương trình "Tiếp sức đến trường" chủ đề Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ.
Chương trình nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện trường học, nhà tài trợ đồng hành cùng quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" để giúp phát triển quỹ học bổng và hỗ trợ cho nhiều tân sinh viên (TSV) khó khăn.
Chương trình “Tiếp sức đến trường” ra đời từ năm 2003. Trải qua hơn 20 năm, học bổng đã hỗ trợ cho 23.387 TSV khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 179,8 tỉ đồng .
Chương trình "Tiếp sức đến trường" năm 2023 dự kiến trao khoảng 1.200 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng trên 63 tỉnh, thành của cả nước. Trong đó, mức giá 15 triệu đồng dành cho TSV khó khăn và 20 suất học bổng đặc biệt (mỗi suất 50 triệu đồng/4 năm) dành cho TSV xuất sắc cùng thiết bị học tập, quà tặng...
Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Nguyễn Hoàng Nguyên phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VÕ THƠ |
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết đây là một hoạt động sau mặt báo nhằm chuyển tải đến bạn đọc những thông điệp về tình yêu thương và tôn vinh những tấm gương vượt lên số phận. Đây là những hoàn cảnh éo le, thiếu may mắn của các em học sinh, sinh viên nhưng thừa tinh thần và ý chí vươn lên trong học tập và lao động.
Phó Tổng biên tập Nguyễn Hoàng Nguyên bày tỏ trăn trở trước vấn đề làm sao để học bổng ngày càng lan rộng nhưng vẫn đảm bảo được ý nghĩa ban đầu đề ra, liệu học bổng đã đủ giúp các TSV trang trải chi phí của năm đầu tiên khi mà vật giá ngày càng tăng, học phí các trường theo cơ chế tự chủ bắt buộc phải tăng.
Đóng góp ý kiến cho chương trình, theo đại diện trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, việc mở rộng liên kết các ngân hàng để hỗ trợ sinh viên vay với lãi suất ưu đãi đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn rất cần thiết. Như vậy, có thể hỗ trợ được nhiều em hơn trong khi quỹ học bổng có giới hạn.
Đại diện trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên về việc làm thêm, phù hợp với chuyên ngành.
Ngoài ra, phát huy vai trò của phòng công tác học sinh viên ở các trường để có thể hỗ trợ các kênh thông tin kết nối cho sinh viên và doanh nghiệp; kết nối với thành đoàn tại các địa phương để có thể nắm được hoàn cảnh, số lượng những em thực sự khó khăn nhưng chưa tiếp cận được với thông tin chương trình học bổng.