Nhanh chóng khảo sát nguyên nhân bùng phát muỗi

Tại TP.HCM, không chỉ quận 7, nhiều quận, huyện còn lại cũng rơi vào thực trạng bùng phát muỗi mà nguyên nhân do... con người.

Chỉ những bãi rác nhỏ dọc kênh Rạch Lăng, bà Hoàng Quốc Khánh, tổ trưởng tổ 1, khu phố 1, phường 13 (Bình Thạnh), bức xúc: “Rác lềnh bềnh như thế này thì sao không bùng phát muỗi! Những nhà ven rạch thuận tay quăng chất thải xuống rạch làm ngăn dòng chảy khiến muỗi sinh sôi nảy nở. Có người còn đi cầu trực tiếp xuống rạch khiến môi trường càng ô nhiễm nặng”.

Theo bà Khánh, từ trước tết muỗi bùng phát dữ dội, xịt thuốc không ăn thua. Tổ dân phố huy động bà con dọn dẹp vệ sinh quanh nhà nhưng hơn chục người không tham gia. Tương tự, ông Lê Minh Hạnh, Trưởng ban điều hành khu phố 8, phường 14 (Gò Vấp), cho biết vẫn còn không ít hộ trong khu phố không tham gia vệ sinh môi trường, ngăn ngừa bùng phát muỗi.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho rằng hiện đang vào mùa khô, không có mưa nên các dòng kinh ứ đọng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ, phát triển. “Ngay cả khu vực nơi tôi ở gần kênh 19/5 (quận Tân Phú) trước đây không thấy muỗi, từ tết tới giờ đã thấy có muỗi” - BS Dũng nói.

Theo BS Dũng, loại muỗi xuất hiện gần đây có tên gọi Culex (dân gian còn gọi muỗi cỏ - PV), mặc dù không gây bệnh sốt xuất huyết nhưng cũng làm xáo trộn cuộc sống và ảnh hưởng sức khỏe người dân. “Do muỗi quá nhiều nên cho dù có xịt thuốc hay dùng nhang thì mật độ muỗi cũng không giảm. Còn phun thuốc diệt muỗi chẳng những phải đúng cách, đúng loại hóa chất mà còn phải đủ liều lượng để tránh tình trạng muỗi kháng thuốc. Bên cạnh đó, bà con tuyệt đối không thuê mướn, không tự tiện phun thuốc vì điều này cũng có thể khiến muỗi kháng thuốc”.

Trung tâm sẽ nhanh chóng thực hiện khảo sát loại muỗi, mức độ ảnh hưởng do muỗi, hóa chất diệt muỗi thích hợp và xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng, trừ muỗi... trên địa bàn thành phố.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm