Nhiều kẻ buôn lậu 'ẩn mình' là doanh nhân

(PLO)- Lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt nên các đối tượng ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả hoặc “ẩn mình” là doanh nhân. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo UBND tỉnh An Giang thời gian qua trên tuyến biên giới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục diễn ra. Các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác vẫn “chực chờ” diễn ra, nhất là việc đưa người xuất nhập cảnh trái phép.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, tuyến đường vận chuyển hàng lậu, hàng giả chuyển hướng và lắt léo hơn. Ở phía Bắc, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ biên giới nên tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng giả tập trung mạnh ở các tuyến biên giới phía Nam.

Thời gian qua, do bị đấu tranh mạnh nên các đối tượng có hai xu hướng: một là manh động, hoạt động ngày càng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng để giành giật lại tang vật, phương tiện bị bắt giữ hoặc đe dọa, xúc phạm, hạ uy tín của cán bộ, chiến sĩ.

buôn ậu an giang

Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cùng lực lượng chức năng kiểm tra một hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Long Xuyên, phát hiện tạm giữ số lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: CACC

Hai là đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp thực hiện, tìm cách “ẩn mình” dùng các “lớp vỏ bọc” với danh nghĩa là doanh nhân có nhiều đóng góp cho xã hội để tạo niềm tin với chính quyền, nhân dân nhằm lẩn tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, gây khó khăn quá trình điều tra.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch liên ngành trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Các lực lượng chức năng thường xuyên duy trì tổ công tác thực hiện tuần tra, đấu tranh, ngăn chặn trên tuyến biên giới, đã hạn chế hàng lậu vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Sáu tháng đầu năm, đã phát hiện, bắt giữ 655 vụ (tăng 13,9% tương đương 81 vụ so với cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan 567 đối tượng.

Tang vật thu giữ gồm: gần 24 tấn đường cát, vàng và ngoại tệ với giá trị trên 9.900 USD, hơn 5,8 tấn phân bón, gần 24.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại… Tổng trị giá hàng hoá khoảng 15,5 tỉ đồng. Đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 16 vụ án hình sự với 13 bị can.

Cũng theo UBND tỉnh An Giang, nhiều đối tượng lợi dụng "kẽ hở" trên sàn thương mại điện tử để khai báo không chính xác về người bán, nguồn gốc mặt hàng và địa chỉ kho. Thậm chí, các đối tượng còn lợi dụng chính sách thương mại điện tử xuyên biên giới để đưa hàng cấm, hàng nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm