Ông PHAN XUÂN ANH, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Viet Excursions:
Nhiều kênh rạch chưa có đò
So với địa phương khác, TP.HCM có hệ thống kênh rạch rất lớn. Các dòng kênh rạch hầu hết gắn liền với yếu tố lịch sử, đặc biệt các dòng kênh chạy xuyên qua các quận trung tâm như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ, điều này rất đặc biệt nếu so với nhiều TP khác khi họ “có sông nhưng không có sử”.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống kênh rạch tại TP đưa vào khai thác du lịch không nhiều, chỉ khai thác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh còn lại rơi vào tình trạng “có sông nhưng không có đò”.
Ngoài ra, các chính sách thuê mướn, đấu thầu đất công còn vướng mắc. Hiện chưa có có đơn vị chịu trách nhiệm đứng ra hướng dẫn, làm khó doanh nghiệp. Nhà nước rất quan tâm nhưng chưa có chiến lược phát triển và có quan điểm chỉ làm như bến đò ngang vận chuyển khách, không phải bến du lịch đúng nghĩa.
Chúng ta cần phải đứng trên góc độ du lịch làm bến phải phục vụ khách, bến du lịch phải có nhà vệ sinh sạch sẽ, có không gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí. Trên bến làm tốt thì mới thu hút khách xuống dưới thuyền được. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm hơn đối với công tác đào tạo nhân lực phục vụ đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đóng thuyền và đăng kiểm thuyền.
Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Lửa Việt tour:
Cần thay đổi quan điểm, tư duy du lịch đường sông
Chi phí phát triển du lịch đường thủy gấp ba lần chi phí đường bộ. Tiềm năng của TP.HCM rất lớn, có khoảng 5.000 km đường sông. Hiện nay chúng ta chỉ cải tạo được 9 km kênh Nhiêu Lộc nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh.
Muốn làm du lịch đường sông cần chú trọng môi trường, đối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chúng ta nên đặt cống ngầm thu gom nước thải đôi bờ tạo môi trường trong lành cho khách du lịch.
Tour du thuyền ngắm TP.HCM trên sông Sài Gòn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: THU TRINH |
Ở đất nước Singapore, mặc dù con sông của họ chỉ bằng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng họ làm du lịch rất tốt. Khi lên tàu, họ chiếu phim lịch sử của đất nước, vừa quảng bá lịch sử đất nước vừa thu hút khách du lịch. Hai bên bờ sông là phố đi bộ hoành tráng, du khách có thể xuống bất cứ chỗ nào để đi bộ tham quan.
Vì thế, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch đường thủy, TP cần thay đổi quan điểm cấp phép, đầu tư xây dựng bến, cũng như tư duy làm du lịch đường sông.
Ông NGUYỄN KIM TOẢN, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án Saigon WaterBus:
Kiểm soát mực nước không để kênh, sông trơ đáy
Phát triển du lịch đường thủy thì phương tiện thủy vận tải hành khách phải ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, mỹ quan, bảo vệ môi trường.
TP cũng cần chỉnh trang bến bãi dọc hai bên bờ sông để mỗi tuyến đường thủy là một sản phẩm du lịch thu hút hành khách.
Về công trình giao thông trên các tuyến sông, TP cần có giải pháp kết hợp cống kiểm soát triều để kiểm soát, duy trì mực nước trong kênh, sông, tránh hiện tượng sông bị trơ đáy, bốc mùi khó chịu và tàu thuyền không lưu thông được, dẫn đến phát triển du lịch đường thủy không thuận lợi.
Đồng thời, đề nghị TP đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa cống ngăn triều (dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng của TP.HCM) vào hoạt động và có giải pháp vận hành khai thác bảo đảm duy trì hoạt động khai thác vận tải hành khách, du lịch trên tuyến khi dự án này hoạt động.