Nước ta là điểm trung chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã lớn

(PLO)- Động vật hoang dã được bày bán, quảng bá công khai vì được ví như loại thần dược chữa bách bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-7, Sở TT&TT Đắk Lắk và Trung tâm giáo dục thiên nhiên (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm truyền thông công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam.

Gia tăng các vụ buôn bán

Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục bảo tồn thiên nhiên (Phụ trách chương trình chính sách và pháp luật), cho biết Việt Nam là nước trung chuyển và tiêu thụ lớn động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nước ta trên trường quốc tế.

Một vụ buôn bán sừng tê giác bị công an phát hiện. Ảnh HH

Một vụ buôn bán sừng tê giác bị công an phát hiện. Ảnh HH

Năm 2018 đến nay, có khoảng 60 tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê… nhập lậu về Việt Nam, chủ yếu qua ba cảng lớn Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM. Ngoài việc cung ứng cho thị trường nội địa, những sản phẩm này còn được đưa đến các nước khác.

“Hiện tại, ở nước ta các sản phẩm ĐVHD cũng được bày bán công khai trên mạng xã hội. Những sản phẩm này được quảng bá có thể chữa bách bệnh, trong khi chưa có ngành khoa học nào chứng nhận” - bà Hà thông tin.

Cũng theo bà Hà, trong vòng 16 năm qua, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 21.000 vụ buôn bán ĐVHD. Số vụ gia tăng theo thời gian.

Công an ở Đắk Nông phát hiện các vụ liên quan đến mua bán ĐVHD.

Công an ở Đắk Nông phát hiện các vụ liên quan đến mua bán ĐVHD.

Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh xử lý vi phạm về ĐVHD trên mạng internet như một ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu lực lượng chức năng, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu ĐVHD trên các trang thông tin điện tử.

Cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa qua công an đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh vàng bạc, đồ trang sức, lưu niệm, mĩ nghệ, trong đó chủ yếu là các sản phẩm về ngà voi, lông voi. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2 tỉ đồng.

“Quá trình làm việc, hầu hết người dân và các hộ kinh doanh chưa nhận thức được tác hại của việc buôn bán ĐVHD. Những hộ dân kinh doanh đều không biết số động vật này có nguồn gốc từ đâu.

Muốn xử lí triệt để vấn nạn này, ngoài công an, cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành khác” - Thiếu tá Nguyễn Tiến Anh cho hay.

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp. Ảnh AL

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp. Ảnh AL

Ông Trương Văn Ty, cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết pháp luật không cấm buôn bán ĐVHD, nhưng phải có điều kiện.

Theo ông Ty, loại động vật được phép buôn bán phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ như nuôi nhím, cá sấu.

“Việc xử lí hành vi buôn bán ĐVHD còn nhiều khó khăn và phải có căn cứ. Thông thường, người bán vẫn chưa biết được hàng hóa xuất phát từ đâu. Thực tế, phải có cơ quan chức năng (đơn vị giám định) khẳng định đồ đó thật hay giả mới xử lí được” - ông Ty cho hay.

Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục bảo tồn thiên nhiên. Ảnh AL

Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục bảo tồn thiên nhiên. Ảnh AL

Theo bà Bùi Thị Hà, trung tâm có đường dây nóng miễn phí tiếp nhận thông tin về các nhà hàng kinh doanh ĐVHD. Nhưng đến nay đơn vị chưa tiếp nhận được thông tin về số lượng nhà hàng.

“Cơ quan chức năng cần chỉ đạo dừng bán các sản phẩm liên quan ngà voi, lông đuôi voi, dù sản phẩm ấy là thật hay giả. Có thể xử phạt các cửa hàng lưu niệm, khu du lịch về hành vi kinh doanh sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ” - bà Hà nói.

Tuy nhiên theo bà Hà, việc xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe. “Lợi nhuận từ buôn bán ĐVHD là rất lớn. Nếu bị xử phạt một vụ, số tiền mà người bán kiếm được từ nhiều vụ trót lọt lớn gấp nhiều lần so với tiền xử phạt. Vì vậy, chúng tôi rất coi trọng công tác tuyên truyền để người dân dừng buôn bán ĐVHD” - bà Hà nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm