Phán quyết của tòa vụ tranh cãi tội danh về 8 cuộn tôn ‘bí ẩn’

(PLO)- Tòa chấp nhận quan điểm của VKS trong vụ tám cuộn tôn “bí ẩn”, tuyên phạt các bị cáo tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chứ không phải buôn bán hàng giả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-12, sau bốn ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tuyên án vụ mua bán tám cuộn tôn giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam.

Tòa tuyên phạt Lê Văn Hùng (38 tuổi, trú tại Thái Nguyên) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Minh Hưng (39 tuổi) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Phan Tuấn Anh (36 tuổi, đều trú tại Thái Bình) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Các bị cáo cũng bị phạt bổ sung tổng cộng 220 triệu đồng để sung quỹ nhà nước.

Tòa án ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bị cáo và nguyên đơn dân sự. Theo đó, ba bị cáo liên đới bồi thường hơn 78 triệu đồng cho Công ty Tôn Phương Nam.

Các bị cáo tại tòa ngày 13-12. Ảnh: UYÊN TRANG

Các bị cáo tại tòa ngày 13-12. Ảnh: UYÊN TRANG

Vụ án này, ban đầu ba bị cáo bị khởi tố về tội buôn bán hàng giả nhưng về sau thay đổi sang tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây cũng là một trong những vấn đề được VKS và luật sư dành nhiều thời gian tranh luận tại tòa.

Đại diện Công ty Tôn Phương Nam đề nghị HĐXX xem xét ba vấn đề. Thứ nhất, phải giải quyết triệt để vụ án bằng cách tìm ra nơi sản xuất tám cuộn tôn giả mạo nhãn hiệu. Thứ hai, hành vi của các bị cáo là buôn bán hàng giả chứ không phải xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Thứ ba, công ty yêu cầu các bị cáo bồi thường hơn 78 triệu đồng; ngoài ra việc mua bán tôn giả mạo xảy ra ở nhiều nơi khiến công ty thiệt hại cả trăm tỉ đồng…

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty thì cho rằng lời khai của các bị cáo cho thấy ở thời điểm giao nhận tám cuộn tôn đều còn nguyên đai nguyên kiện. Các bị cáo không sản xuất hay dịch chuyển nhãn hiệu lên các cuộn tôn mà chỉ chào hàng, mua bán, tức không có hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu nhãn hiệu. Nếu có việc này thì phải là người sản xuất ra các cuộn tôn. Từ đó, luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối đáp lại, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm về việc ba bị cáo phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chứ không phải buôn bán hàng giả.

Kiểm sát viên cho hay cơ quan tố tụng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp nhưng đến nay chưa thể xác định nhân thân người tên Tú cũng như nơi sản xuất ra các cuộn tôn giả nhãn hiệu. Trong khi đó, bị cáo Hùng biết rõ các cuộn tôn không có đầy đủ tem mác nên đã thuê người in tem nhãn phụ của Tôn Phương Nam để dán lên các cuộn tôn, có đủ dấu hiệu của hành vi xâm phạm quyền sở hữu.

Hơn thế, cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu tiêu chuẩn chất lượng đối với tám cuộn tôn nhưng cơ quan giám định từ chối vì không đủ khả năng phân tích mẫu vật. Theo quy định, nếu hàm lượng tôn trong các cuốn tôn này dưới 70% thì mới xem xét xử lý về hàng giả được…

Nhiều lần phản đối quan điểm của cơ quan công tố, luật sư của Tôn Phương Nam cho rằng có rất nhiều căn cứ để xác định hàng giả (ten, nhãn mác…) chứ không chỉ căn cứ vào hàm lượng. Thực tế, các bị cáo có hành vi chào hàng, lưu trữ, vận chuyển, mua bán các cuộn tôn có tem và mã số hàng hóa giả mạo Tôn Phương Nam, nên đây phải là hành vi buôn bán hàng giả…

Tại bản án, HĐXX nhắc lại công văn của Viện khoa học hình sự Bộ Công an về việc từ chối giám định tiêu chuẩn chất lượng đối với tám cuộn tôn giả nhãn hiệu, vì thế đến nay chưa thể xác định tám cuộn tôn này có chỉ tiêu chất lượng đạt bao nhiêu % so với tôn Phương Nam thật.

TAND huyện Đại Từ đã từng trả hồ sơ cho VKS cùng cấp để yêu cầu điều tra bổ sung, xác định rõ hàm lượng tôn trong tám cuộn tôn giả nhãn hiệu, tuy nhiên VKS sau đó có công văn khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

HĐXX nhận định căn cứ vào lời khai của các bị cáo cùng tài liệu có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở cho thấy nhóm bị cáo phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Hành vi trên xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ của doanh nghiệp, làm mất ổn định thị trường, ảnh hưởng tới người tiêu dùng và gây thiệt hại đến chủ sở hữu nhãn hiệu là Công ty Tôn Phương Nam…

Hồ sơ vụ án cho thấy, tháng 9-2021, một người đàn ông tên Tú (ở Hải Phòng, không rõ nhân thân) đến gặp Hưng, nói có tám cuộn tôn mạ màu nhãn hiệu Tôn Phương Nam là hàng tồn kho kém chất lượng và không có hóa đơn chứng từ, muốn thanh lý với giá rẻ.

Tháng 10-2021, Hưng và Tuấn Anh đến công ty do Hùng quản lý ở huyện Đại Từ để chào hàng tám cuộn tôn nêu trên. Hùng đồng ý mua.

Ngày 17-10-2021, người tên Tú giao tám cuộn tôn cho Hưng. Hưng và Tuấn Anh sau đó giao số tôn này cho Hùng với giá 480 triệu đồng.

Nhận hàng, Hùng thuê người làm giả tem nhãn phụ của Tôn Phương Nam dán vào các cuộn tôn nhằm tạo lòng tin với khách hàng. Tuy nhiên, khi chưa kịp tiêu thụ, số hàng này đã bị Công an huyện Đại Từ và lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu giữ.

Cơ quan tố tụng xác định tám cuộn tôn mà nhóm bị cáo mua bán là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Tôn Phương Nam. Kết luận định giá cho thấy tám cuộn tôn có giá trị tương đương với Tôn Phương Nam thật là gần 1,2 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm