Cần có chế tài phù hợp để xử nạn livestream bẩn

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013. Một trong những nội dung của dự thảo đáng chú ý quy định về quản lý đối với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội...

Đã có nhiều quy định điều chỉnh, chế tài

Việc sửa đổi Nghị định 72/2013 sẽ tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Kế đến, việc thiết lập hành lang pháp lý nhằm quản lý hiệu quả hơn hoạt động livestream trên mạng và hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok… cũng góp phần vào việc bảo đảm một môi trường thông tin an toàn, khách quan, hữu ích.

Quản lý hoạt động livestream trên mạng để góp phần vào việc bảo đảm một môi trường thông tin an toàn, khách quan, hữu ích. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngoài ra, việc quản lý đối với các hoạt động làm kênh YouTube, Facebook, TikTok có thu tiền sẽ giúp cho công tác thu thuế được bảo đảm hơn.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Nghị định 72/2013 với kỳ vọng hạn chế việc livestream trên mạng xã hội tiêu cực như bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; khiêu dâm; xúc phạm danh dự, nhân phẩm... là điều cần cân nhắc.

Đơn cử như hành vi bán hàng lậu, hàng cấm hiện nay bị xử phạt theo Nghị định 98/2020. Nếu số lượng hàng lậu, hàng cấm cấu thành vi phạm hình sự thì bị truy cứu theo BLHS.

Tương tự, hành vi lừa đảo, khiêu dâm đã có chế tài hành chính và chế tài hình sự rất cụ thể. Đó là chưa kể đến thực trạng hiện nay ở nước ta có đến 13 nghị định khác nhau cùng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Những chế tài này đã tồn tại trong pháp luật hiện hành nhưng công tác xử lý vẫn chưa đạt được hiệu quả.

Do đó, đây là vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật chứ không phải là bất cập về mặt pháp lý. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 72/2013 là cần thiết nhưng không phải là giải pháp tối ưu trong việc hạn chế tiêu cực trên không gian mạng.

Hiện có 829 mạng xã hội được cấp phép

Theo Bộ TT&TT, các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân.

Đến hết tháng 6-2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã khoảng 60 triệu), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).

HỮU ĐĂNG 

Cần thiết kế các chế tài phù hợp để xử lý vi phạm

Cạnh đó, khi thiết lập nghĩa vụ mới trên mạng xã hội thì cần phải thiết kế các chế tài để xử lý nếu vi phạm nghĩa vụ.

Cụ thể, dự thảo quy định các kênh/tài khoản và các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 10.000 lượt người truy cập thường xuyên/tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT&TT. Nếu vi phạm nghĩa vụ này sẽ phải gánh chịu chế tài pháp lý.

Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 15/2020 lại không quy định chế tài đối với hành vi này. Do đó, nếu quy định nghĩa vụ pháp lý mới phải tuân theo thì phải sửa đổi Nghị định 15/2020 theo hướng thiết kế chế tài xử lý.

Ngoài ra, vấn đề xử lý đối với hành vi vi phạm quy định cấm cần được thiết kế trên cơ sở tính khả thi. Cụ thể, livestream trên mạng xã hội là hoạt động video phát trực tuyến. Do đó, khi xảy ra hành vi vi phạm như xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì cũng khó mà có thể đình chỉ ngay.

Đành rằng dự thảo quy định “livestream vi phạm pháp luật phải gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ” nhưng điều này chưa hẳn đã phù hợp với hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Theo pháp luật Việt Nam, “buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật” là một biện pháp khắc phục hậu quả đi kèm trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể là bảy ngày làm việc (hay 10 ngày làm việc). Sau khi ban hành quyết định xử phạt thì mới có thể “buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật”. Do đó, quy định “buộc gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ” là không khả thi và cũng không phù hợp với các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Cần chú ý đến Facebook và YouTube

Dự thảo nhấn mạnh việc quản lý hoạt động livestream của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua cơ chế cung cấp thông tin qua biên giới là phù hợp với tình hình hội nhập.

Tuy nhiên, có thể thấy ngoài việc sẽ xử lý đối với việc livesteam trái luật là xóa bỏ, chặn video… thì các cơ chế, chế tài khác áp dụng đối với các đối tượng này vẫn chưa cho thấy tính khả thi.

Ngoài ra, ở Việt Nam thì hai mạng xã hội có số lượng livestream nhiều nhất là Facebook và YouTube đều thuộc sở hữu của pháp nhân nước ngoài. Do đó, để việc thực thi các quy định về quản lý livestream có hiệu quả thì cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường quản lý hoạt động của các mạng xã hội này tại Việt Nam.

ThS NGUYỄN NHẬT THANH, Trường ĐH Luật TP.HCM

YẾN CHÂU ghi

Sử dụng mạng xã hội đúng cách để thụ hưởng nhiều lợi ích

Bán hàng trên mạng đang là xu thế cho những người kinh doanh nhỏ lẻ. Người bán hàng chỉ cần có tài khoản mạng xã hội là đã có thể livestream dễ dàng mà không bị bất cứ cơ quan nào kiểm duyệt nội dung, chất lượng sản phẩm. Không chỉ sử dụng để bán hàng mà mạng xã hội hiện nay còn là nơi để mọi người tự do phát ngôn, định hướng dư luận hoặc thậm chí là công cụ để các tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Với đề xuất và cách quản lý mới này, rất nhiều người bán hàng qua mạng, kinh doanh nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu như sử dụng mạng xã hội đúng cách, sử dụng đúng mục đích, tuân thủ các điều kiện đặt ra thì người dùng hoàn toàn có thể phát huy điểm mạnh của mạng xã hội để phục vụ cho công việc. Ngược lại nếu như các cơ quan nhà nước buông lỏng quản lý thì đây lại trở thành môi trường phạm tội mới.

Anh TÔ VĨNH ĐẠT, người từng livestream bán hàng trên mạng

HỮU ĐĂNG ghi

Những trường hợp bị xử phạt từ việc livestream

Việc livestream trên mạng xã hội dẫn đến những tình trạng như bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; khiêu dâm; xúc phạm danh dự, nhân phẩm,truyền bá tin giả…

Tháng 6-2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã xử phạt đối với cửa hàng Quỳnh Quỳnh (của vợ một nghệ sĩ hài) về việc kinh doanh hàng hóa không nhãn phụ và giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong thời hạn hai tháng đối với hành vi bán hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu. Đây là hai nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 60,5 triệu đồng.

Tháng 4, Sở TT&TT TP.HCM xử phạt doanh nhân Nguyễn Phương Hằng 7,5 triệu đồng do có hành vi livestream nêu thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Hành vi của bà Hằng vi phạm khoản d điểm 1 Điều 5 Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...