Lược sử đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam

Chuyên đề “Cơ hội nào cho cử nhân luật vào ngành tòa án?” trên báo Pháp Luật TP.HCMngày 26-4 đang khơi gợi mối quan tâm lớn từ các cơ sở đào tạo cử nhân luật, các cơ quan tư pháp, giới luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên… Để có cái nhìn rõ hơn, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu lược sử về đào tạo cử nhân luật cũng như đào tạo các chức danh tư pháp ở nước ta.

Quá trình hình thành và phát triển

Về đào tạo cử nhân luật, một thời gian dài do điều kiện chiến tranh, ở miền Bắc không có đào tạo cử nhân luật. Cơ sở đào tạo duy nhất về luật là Trường Tư pháp Trung ương, sau được đổi tên thành Trường Cán bộ Tòa án (thuộc TAND Tối cao), được thành lập năm 1960. Cơ sở này chỉ đào tạo, bồi dưỡng trình độ sơ cấp sáu tháng, trung cấp 12 tháng, và từ năm 1972 mới dần kéo dài thời gian đào tạo với hệ trung cấp lên 14 tháng, rồi 24 tháng.

Sau năm 1975, công tác đào tạo cán bộ pháp lý dần được chú trọng hơn, mà đầu tiên là năm 1976, thành lập Khoa pháp lý thuộc Đại học (ĐH) Tổng hợp Hà Nội - cơ sở đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đào tạo cử nhân luật.

Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM ngày tốt nghiệp. Ảnh: KHANH MY

Năm 1979, Trường Cán bộ Tòa án được nâng lên thành Trường Cao đẳng Tòa án, với hệ cao đẳng 36 tháng nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ xét xử chuyên ngành tòa án làm nguồn bổ sung thẩm phán cho TAND các cấp.

Cuối năm 1979, Hội đồng Chính phủ đã quyết định hợp nhất Khoa pháp lý ĐH Tổng hợp và Trường CĐ Tòa án để thành lập ĐH Pháp lý Hà Nội.

Từ những cơ sở đào tạo cử nhân luật đầu tiên này, đến thời điểm 2005, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cả nước có chín cơ sở đào tạo luật học bậc cử nhân. Đến tháng 12-2020, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, số lượng cơ sở đào tạo cử nhân luật đã lên tới con số 93.

Đột phá từ Nghị quyết 08, Nghị quyết 49

Năm 1998, Thủ tướng quyết định thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) với nhiệm vụ chuẩn hóa trình độ, kỹ năng nghiệp vụ… cho đội ngũ cán bộ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Đến năm 2002, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết 08 về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp trong thời gian tới. Nghị quyết có tính chất chuyên đề về tư pháp này, ở mục B - Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới có phần riêng về “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh”.

Những dòng đầu tiên là dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cử nhân luật và chức danh tư pháp được viết như sau:

“Sắp xếp lại việc đào tạo cử nhân luật tập trung vào hai trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Luật TP.HCM; thống nhất chương trình, giáo trình đào tạo, bảo đảm các sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có quan điểm chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và nắm vững kiến thức pháp luật.

Đổi mới công tác đào tạo cán bộ chức danh tư pháp theo hướng: cán bộ có chức danh tư pháp phải có trình độ ĐH luật và được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo chức danh. Nghiên cứu xây dựng đề án thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp. Đối với điều tra viên thì do trường của Bộ Công an đào tạo”.

Đến năm 2004, Thủ tướng quyết định nâng cấp Trường Đào tạo các chức danh tư pháp thành Học viện Tư pháp.

Tiếp đó, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Ở phần “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh” của nghị quyết này nêu: “Xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật. Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp”.

“Thăng trầm” Học viện Tư pháp

Trong những năm đầu triển khai Nghị quyết 08, sau đó là Nghị quyết 49, giữa TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tư pháp đã có những nhận thức chung về thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp. Chẳng hạn năm 2005, VKSND Tối cao đã dừng việc mở các khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho đối tượng là cán bộ trong ngành, đã tốt nghiệp ĐH luật nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, chuyển hết cho Học viện Tư pháp tổ chức đào tạo. Ngành tòa án cũng cử nhiều cán bộ sang theo học chương trình đào tạo chức danh thẩm phán.

Tuy nhiên, quá trình phối hợp ấy không kéo dài. Năm 2007, VKSND Tối cao khôi phục chương trình tự đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, trong khi TAND Tối cao tiếp tục việc bồi dưỡng kỹ năng nghề tại cơ sở riêng của mình. Về sau, TAND Tối cao mở rộng quy mô Trường Cán bộ Tòa án, VKSND Tối cao đầu tư mạnh cho Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Các đề án để nâng cấp các cơ sở đào tạo của tòa, viện theo hướng mở rộng sang cả đào tạo cử nhân luật cũng được xúc tiến xây dựng.

Tháng 12-2012, Văn phòng Trung ương Đảng có Thông báo 116/TB-TW về kết luận của Bộ Chính trị, đồng ý chủ trương cho cả hai ngành kiểm sát, tòa án ngoài việc đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp của ngành mình thì còn được đào tạo trình độ ĐH, thậm chí sau ĐH các chuyên ngành luật học.

Về phía Bộ Tư pháp, bộ này vẫn kiên trì theo đuổi sự nghiệp cải cách tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49. Đây là cơ sở để năm 2013, Thủ tướng ban hành Quyết định 2083, phê duyệt đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.

Kết quả triển khai đề án, tính từ năm 2014 đến 2020, tổng quy mô đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp là 28.093 học viên, tăng hơn 14% so với giai đoạn trước đó 2007-2013. Trong đó, kết quả đào tạo công chứng viên vượt gấp ba lần chỉ tiêu đề ra. Việc đào tạo nghề cho các chức danh khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp như chấp hành viên, luật sư cũng đạt ở mức khá cao 84%-94%.

Tuy nhiên, mảng đào tạo nghề cho chức danh thẩm phán, kiểm sát viên chỉ đạt lần lượt 14% và 29% theo chỉ tiêu đề án mà Thủ tướng phê duyệt. Một trong những nguyên nhân chính là TAND Tối cao (từ năm 2015) và VKSND Tối cao (từ năm 2017) đã không cử cán bộ, công chức sang Học viện Tư pháp để đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát…

Năm 2015, Bộ Tư pháp đã quyết định thành lập Hội đồng phối hợp đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Đây là cơ quan tư vấn thực hiện phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan liên quan gồm TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, hai bộ Nội vụ - Giáo dục, Liên đoàn Luật sư. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên mô hình này vận hành chưa hiệu quả. Công tác phối hợp đến nay chủ yếu chỉ là giữa Bộ Tư pháp và Học viện Tư pháp, với kết quả bước đầu đào tạo được 241 học viên từ nguồn tự do.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm